Ánh trăng và những nội dung dễ thi

Ánh trăng và những nội dung dễ thi

Ánh trăng và những nội dung dễ thi

Bài thơ “Ánh trăng” của Nguyễn Duy đã từng xuất hiện rất nhiều trong đề thi nên các bạn lưu ý ôn tập kĩ.

1. Đề thi của Trường THCS TT Lấp Vò (2022 – 2023)

Viết bài văn giới thiệu bài thơ “Ánh trăng” của Nguyễn Duy

=> Đề bài yêu cầu đơn giản nhưng phạm vi rộng và để ở mức 4 điểm nên các bạn lưu ý khi làm bài nhé!

2. Đề thi của Sở GD & ĐT Thành phố Lạng Sơn (2019 – 2020)

Cảm nhận của em về đoạn thơ sau:

Hồi nhỏ sống với đồng
[…] như người dưng qua đường

(TríchÁnh trăng– Nguyễn Duy, Ngữ văn 9, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2018, tr.155-156)

=> Với đề bài này chỉ yêu cầu cảm nhận đoạn thơ và không có câu hỏi phụ. Nhưng quá trình làm bài, các bạn nên mở rộng, nâng cao vấn đề để bài viết được sâu sắc, sáng tạo.

3. Đề thi của Phòng GD & ĐT Nam Từ Liêm (2019 -2020)

Từ xưa đến nay, trăng luôn là nguồn cảm hứng vô tận của thi ca. Trong bài thơ “Ánh trăng” – Nguyễn Duy viết:

“Từ hồi về thành phố

[…]

đột ngột vầng trăng tròn

(Ngữ văn 9, tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2016)

Dựa vào khổ thơ thứ hai của đoạn thơ trên hãy viết một đoạn văn theo cách diễn dịch, độ dài khoảng 12 câu trình bày cảm nhận của em vềtình huống nhân vật trữ tình bất ngờ gặp lại vầng trăng, trong đoạn văn có sử dụng những lời dẫn trực tiếp và câu ghép(Gạch chân dưới câu ghép và một câu văn có sử dụng lời dẫn trực tiếp)

=>Đây là câu 4 trong phần I (7 điểm). Dạng đề này các bạn nên đọc thật kĩ và gạch chân dưới các yêu cầu để TRÁNH làm thiếu ý, lạc đề.

4. Đề thi của Phòng GD & ĐT thành phố Thuận An (2022 -2023)

Đọc khổ thơ sau và trả lời các câu hỏi:

“Trăng cứ tròn vành vạnh

[…]

đủ cho ta giật mình.”

(Trích Ánh trăng – Nguyễn Duy, Ngữ văn 9 – Tập một – NXBGD năm 2014)

Câu 1: (0.5 điểm) Xác định phương thức biểu đạt trong đoạn thơ trên.

Câu 2: (0.5 điểm) Chỉ ra các từ láy có trong khổ thơ.

Câu 3: (1 điểm) Nêu nội dung chính của khổ thơ.

Câu 4: (1 điểm) Qua nội dung của khổ thơ trên, em rút ra cho mình thái độ sống như thế nào?

=> Bài thơ “Ánh trăng” có thể được sử dụng làm ngữ liệu cho phần Đọc hiểu (3 điểm) các bạn nhé!

5. Đề thi của Sở GD & ĐT Thành phố Cần Thơ (2019 – 2020)

Em hãy phân tích đoạn thơ sau:

Ngửa mặt lên nhìn mặt

[…] đủ cho ta giật mình.

(TríchÁnh trăng– Nguyễn Duy Ngữ văn 9,Tập một, NXB Giáo dục, năm 2016, tr. 156)

Bài viết tham khảo cho đề số 5

Trăng vốn là một đề tài quen thuộc trong thơ ca nhân loại nói chung và thơ ca Việt Nam nói riêng. Tôi đã từng ám ảnh vô cùng những giọt trăng máu của Hàn Mặc Tử, rồi lại xót xa trong “cử đầu khán minh nguyệt/Đê đầu tư cố hương” của Lý Bạch. Cũng là trăng, Nguyễn Duy lại mang đến cho bạn đọc sự chiêm nghiệm về thái độ sống của con người trước sự đổi thay hoàn cảnh. Cụ thể, ở hai khổ thơ cuối là những triết lý sâu sắc được nhấn mạnh từ cái “giật mình” của nhân vật trữ tình.

“Ngửa mặt lên nhìn mặt

[…]

đủ cho ta giật mình”.

Thơ ca từ lâu là nơi để gửi gắm biết bao niềm suy tư của người nghệ sĩ. Về vấn đề này, Hoài Thanh cũng đã từng quan niệm rằng:“Từ bao giờ cho đến bây giờ, từ Hômerơ đến kinh thi, đến ca dao Việt Nam, thơ vẫn là một sức đồng cảm mãnh liệt và quảng đại. Nó đã ra đời giữa những vui buồn của loài người và nó sẽ kết bạn với loài người cho đến ngày tận thế”. Với “Ánh trăng” của Nguyễn Duy – một bài thơ được sáng tác năm 1978, sau ba năm kể từ khi đất nước “rũ bùn đứng dậy sáng lòa” chính là một áng thơ được thai nghén từ những buồn vui, trăn trở của thi sĩ. Tuy nhiên, đối với những người phu chữ, thơ dẫu rằng là sự “đồng cảm mãnh liệt và quảng đại” nhưng cần phải xuất phát từ cái riêng không trộn lẫn. Nguyễn Duy cũng không ngoại lệ. Nhà thơ được biết đến với một phong cách sáng tác trầm tĩnh, giàu triết lý cùng những rung động tinh tế nhưng âu cũng pha chút ngang tàng. Đặc biệt, ở hai khổ thơ cuối của thi phẩm “Ánh trăng” như một lời chiêm nghiệm đầy triết lý về người lính thời hậu chiến cùng bao nỗi niềm trăn trở.

Có một câu nói của Sophia Loren đáng suy ngẫm:“Tôi chưa bao giờ cố xoá đi ký ức của quá khứ, dù một vài ký ức rất đau đớn. Tôi không hiểu những người lẩn trốn khỏi quá khứ của mình. Mọi thứ bạn đã sống góp phần giúp bạn trở thành con người bạn bây giờ”. Phải chăng, nhân vật trữ tình trong “Ánh trăng” của Nguyễn Duy là một con người cự tuyệt với quá khứ như Sophia Loren đã đề cập? Xét ở những khổ thơ trước, ta biết đến “trăng” vốn là người bạn tâm tình cùng con người trải qua những năm tháng khó khăn. Ấy là quãng thời gian vui tươi, nghĩa tình nơi thiên nhiên rộng lớn, gần gũi. Nhưng khi bước ra từ quá khứ gian lao, vất vả, trăng với con người lại ngậm ngùi nén trong hai chữ người dưng. Nhân vật trữ tình giờ đây quen với những thứ ánh sáng của đèn điện mà quên đi vầng trăng lãng mạn tâm tình thuở còn cùng nhau gắn bó nơi rừng núi hiểm trở. Cứ ngỡ rằng đã quên, nhưng rẽ vào từng vần thơ của thi sĩ, bạn đọc mới vỡ lẽ được những cung bậc cảm xúc, những chất chứa sâu bên trong tâm hồn của con người âm ỉ và day dứt về kỉ niệm của quá khứ khi “mặt đối mặt”:

“…Ngửa mặt lên nhìn mặt

có cái gì rưng rưng

như là đồng là bể

như là sông là rừng…”

Nhà thơ đã rất tài tình khi nhân cách hoá hình ảnh ánh trăng. “Mặt đối mặt” ấy chính là nhân vật trữ tình và vầng trăng vốn từng là tri kỉ. Tình huống bất ngờ đối diện với thứ ánh sáng lãng mạn của quãng thời gian chiến tranh vô tình gọi về những dòng kí ức quá khứ và khiến cho tâm hồn thi sĩ “rưng rưng”. Cái “rưng rưng” ấy phải chăng là sự rung động về vẻ đẹp tròn đầy nghĩa tình của trăng và cũng là cái rưng rưng của lòng người như đang thắt quặn trong nỗi day dứt. Nhìn trăng mà những năm tháng với đồng với bể, với sông với rừng tuôn trào trong nỗi nhớ nhung khôn xiết. Đó là sự gắn bó hồn nhiên, trần trụi, dẫu vất vả nhưng nghĩa tình, ấm áp. Ở đây, Nguyễn Duy đã mượn những hình ảnh vốn quen thuộc trong quá khứ để gợi nhắc về kí ức tuổi thơ đến những năm tháng chiến đấu. Và cũng để một lần nữa nhấn mạnh đến hình ảnh trăng – biểu tượng không chỉ cho cái đẹp tròn đầy mà còn là sự hồi tưởng về những điều đã qua, về sự vẹn nguyên, chung thuỷ của quá khứ. Quả thật, cứ ngỡ rằng con người ấy trước thứ ánh màu sắc lộng lẫy của cuộc sống hiện đại mà lãng quên bao năm thắng nghĩa tình nhưng suy cho cùng những kí ức dường như vẫn còn vẹn nguyên trong trái tim con người thời hậu chiến.

Thơ ca chính là tiếng nói mãnh liệt nhất của cảm xúc và “tư tưởng của thơ nằm ngay trong cảm xúc tình tự.” Đến với khổ thơ cuối, bên cạnh những rưng rưng của tâm hồn thì còn là sự gửi gắm triết lí về thái độ sống của con người:

“…Trăng cứ tròn vành vạnh

kể chi người vô tình

ánh trăng im phăng phắc

đủ cho ta giật mình.”

Trong kho tàng thơ ca Việt Nam, “trăng” vốn là biểu tượng của cái đẹp. Đó là cái đẹp của “khuôn trăng đầy đặn” được Nguyễn Du ước lệ cho sự hài hoà vẻ đẹp trần thế nơi nàng Vân hay là sự “lóng lánh bóng trăng loe” trong Thu ẩm của Nguyễn Khuyến. Với Nguyễn Duy, trăng cũng khoác lên mình một vẻ đẹp tròn đầy, viên mãn qua từ láy “vành vạnh” và tính từ “tròn”. Tuy nhiên, đây không chỉ là sự tròn đầy khuôn trăng mà còn lại cái “vành vạnh” của một quá khứ nghĩa tình, chung thuỷ, vẹn nguyên. Nhưng chính hình ảnh “trước sau như một” của vầng trăng lại khiến cho lòng người không khỏi ngậm ngùi, e thẹn. Bởi lẽ, đương lúc “thình lình đèn điện tắt”, không gian bỗng bao trùm màu đen tối nghịt thì con người đã vội mở tung cửa sổ và bắt gặp ánh trăng. Sự ngẫu nhiên ấy lại mang đến cái tất nhiên đó chính là “mặt đối mặt”, “quá khứ đối diện với hiện tại”. Dẫu người có vô tình quen với ánh điện cửa gương, dẫu vầng trăng đã đi qua ngõ như người dưng. Nhưng chính sự “im phăng phắc” của trăng như một sự nhận thức ở nhân vật trữ tình và cho chính chúng ta – những người tiếp nhận. Ở đây, trăng được nhân hoá như một con người nghiêm khắc mà Herta Müller cũng đã từng quan niệm: “Im lặng là một nghệ thuật trò chuyện tốt”. Có lẽ, sự “im phăng phắc” của vầng trăng cũng chính là một sự trò chuyện. Trò chuyện không phải chỉ với nhân vật trữ tình mà còn là sự đối thoại ngầm với độc giả. Những vần thơ mang đến không phải là một lời trách móc, oán than mà chính cái im lặng của trăng cũng đủ khiến cho con người phải “giật mình”. Quả thật, “Thơ bắt rễ từ lòng người và nở hoa nơi từ ngữ” (Viên Mai). Điều đặc biệt của thơ đó chính là sức gợi, ngắn gọn, hàm súc. Chỉ với ngôn từ “giật mình” nhưng đã mang đến biết bao lớp nghĩa. Đó có thể là cái giật mình nhận lỗi, cũng có thể là sự ám ảnh, day dứt của nhân vật trữ tình và đặc biệt là sự thức tỉnh, thanh lọc tâm hồn con người. Đó là sự thức tỉnh để gửi gắm đến bức thông điệp: hãy trân trọng quá khứ, hãy sống trọn đạo nghĩa: Uống nước nhớ nguồn.

Như vậy, với hai khổ thơ cuối, Nguyễn Duy đã mang đến con người đọc sự nhìn nhận lại thái độ sống của chính mình. Từ những cung bậc cảm xúc gợi nhớ về quá khứ đến sự giật mình thức tỉnh ở thực tại đều khiến cho con người ta phải suy ngẫm và tìm được chính mình trong cái giật mình của nhân vật. Phải chăng, trong cuộc sống bộn bề tấp nập, khi đứng trước những xô bồ con người ta sẵn sàng rũ bỏ đi quá khứ của những nỗ lực, cố gắng. Suy cho cùng, không phải là sự ôm trọn nhu nhược với quá khứ mà Nguyễn Duy muốn đối thoại với độc giả về sự trân trọng những quảng thời gian ý nghĩa mà bản thân mỗi con người từng trải qua. Và những đối thoại triết lý ấy được truyền tải qua thể thơ năm chữ ngắn gọn, hàm súc. Đặc biệt, mỗi khổ thơ chỉ viết hoa đầu dòng tựa như lời thủ thỉ tâm tình nhẹ nhàng. Nhà thơ còn tài năng trong việc nhân hoá hình ảnh trăng đầy thi vị. Để rồi, trăng không phải là sự vật vô tri vô giác mà khoác trên mình dáng dấp, linh hồn của quá quá khứ chung thuỷ nhưng cũng đầy nghiêm khắc. Có thể nói, “Ánh trăng” nói chung và hai khổ thơ cuối nói riêng là một khám phá về nội dung và là một phát minh về hình thức.

Thơ ca quả thật không chỉ là cảm xúc mà còn là những giá trị tư tưởng ẩn sau lớp ngôn ngữ được nhà thơ gọt dũa. Với “Ánh trăng”, bạn đọc không chỉ hoà vào những gần gũi, giản dị của hình ảnh thơ mà còn là sự nhận thức về thông điệp mà nhà thơ gửi gắm. Đó là sự trân trọng quá khứ, “uống nước nhớ nguồn” mà hai khổ thơ cuối truyền tải. Và trước cái giật mình của tác giả, bản thân mỗi con người cũng nhận thức được rằng: quá khứ có thể không phải là một nơi để con người ta mãi thu mình mà quên đi thực tại, đúng hơn quá khứ là một điểm tựa để khi nhìn lại quãng thời gian ân nghĩa, gắn bó, con người ta càng quý trọng hơn nữa những giây phút thực tại. “Ánh trăng” quả thực là một áng thơ luôn khiến con người ta trăn trở và suy ngẫm.

| Nội dung: Nuôi

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *