Sự chuyển mình mạnh mẽ trong phong cách sáng tác của Huy Cận

Sự chuyển mình mạnh mẽ trong phong cách sáng tác của Huy Cận

Sự chuyển mình mạnh mẽ trong phong cách sáng tác của Huy Cận

Nếu các bạn đang TÌM KIẾM DẠNG ĐỀ liên quan đến PHONG CÁCH SÁNG TÁC của Huy Cận thì dưới đây là “đề bài” và “bài viết tham khảo” nhé!Khi đọc, các bạn nhớ LƯU Ý một số nội dung sau: cách dẫn dắt vấn đề nghị luận; lí luận về phong cách sáng tác nói chung và phong cách của Huy Cận nói riêng; cách giải thích, lập luận để chứng minh vấn đề;…

Đề bài:Nhận xét về bài thơ Đoàn thuyền đánh cá, Thảo Nguyên cho rằng:“Đoàn thuyền đánh cá là một trong những bài thơ thể hiện sự chuyển mình mạnh mẽ trong phong cách thơ của Huy Cận. Trước cảm hứng của cuộc sống mới, nhà thơ đã không thể nào giữ yên lặng mà phải đặt bút. Có thể nói đây là một trong những sáng tác hay nhất của ông.”

Bằng những hiểu biết về bài thơ Đoàn thuyền đánh cá, em hãy làm sáng tỏ nhận xét trên.

Bài làm

Phương Lựu đã từng quan niệm rằng:“Nghệ thuật là lĩnh vực của sự độc đáo vì vậy nó đòi hỏi người viết sự sáng tạo phong cách mới lạ, thu hút người đọc”.Sáng tạo là một yếu tố mà lịch sử văn học luôn trân trọng. Văn học không cho phép người nghệ sĩ lặp lại người khác và lặp lại chính bản thân mình. Nhờ đó, ta biết đến Nam Cao với một Lão Hạc chết trong sự đau đớn, một Chí Phèo lưu manh, tha hoá. Hay là Nguyễn Tuân với áng văn hoài niệm những điều đã vang bóng một thời âu rồi lại làm lành với thực tại. Cũng không ngừng mang đến cho đời một cái nhìn mới, Huy Cận vốn được biết tới với những vần thơ ảo não nhưng sau cách mạng tháng Tám, các sáng tác của nhà thơ đã khoác lên mình màu sắc tươi vui. Đặc biệt là hình ảnh con người lao động mới trong tác phẩm “Đoàn thuyền đánh cá”. Đúng như Thảo Nguyên nhận xét:“Đoàn thuyền đánh cá là một trong những bài thơ thể hiện sự chuyển mình mạnh mẽ trong phong cách thơ của Huy Cận. Trước cảm hứng của cuộc sống mới, nhà thơ đã không thể nào giữ yên lặng mà phải đặt bút. Có thể nói đây là một trong những sáng tác hay nhất của ông.”

Phong cách sáng tác vốn là nét riêng như một dạng vân chữ của người nghệ sĩ. Tuy nhiên, nét riêng ấy ổn định trong sự đối mới, tức là có sự biến đổi, “chuyển mình” mà như Thảo Nguyên đã nhận xét về bài thơ Đoàn thuyền đánh cá. Gọi là sự “chuyển mình mạnh mẽ” bởi lẽ trước cách mạng tháng Tám, bạn đọc vô cùng nao lòng vì những vần thơ “gọi dậy cái hồn buồn của Đông Á” (Xuân Diệu) khi chịu ảnh hưởng của văn học Pháp cũng như niềm yêu thích với thơ Đường của Huy Cận. Sau cách mạng tháng Tám, vần thơ của tác giả đã bám sát vào mảnh đất hiện thực màu mỡ và chuyên chở một luồng sinh khí mới cùng cảm hứng sức sống mới. Đó chính là hình ảnh của con người bước ra khỏi cuộc kháng chiến với tinh thần sục sôi, hứng khởi trong lao động để đi lên chủ nghĩa xã hội. Trước sứ mệnh phản ánh hiện thực, Huy Cận không thể để ngòi bút của mình vấn vương mãi trong nỗi suy tư. Nhà thơ đã phải đặt bút, phải mang những tinh thần mới vào vần điệu thơ ca. Và “Đoàn thuyền đánh cá” chính là một cú hích sáng tạo xuất phát từ trong tâm hồn đầy hứng khởi của thi sĩ.

Đoàn thuyền đánh cá – bài thơ được đánh giá là “một trong những sáng tác hay nhất” của Huy Cận ra đời vào tháng 10 năm 1958. Đương lúc miền Bắc từ trong máu lửa, “Rũ bùn đứng dậy sáng lòa” (Đất nước – Nguyễn Đình Thi). Sự thay da đổi thịt ấy chính là sức sống mới mở ra những sáng tác mang khuynh hướng vui tươi của Huy Cận. Nhà thơ đã chuyển mình mạnh mẽ để đón nhận làn gió mới, hương sắc mới mang đến cho bạn đọc một khám phá mới.

Bàn về sự chuyển mình, những áng thơ ca của Huy Cận trước cách mạng tháng Tám như một con thuyền cô đơn trên biển trời mênh mông đầy sóng gợn. Các sáng tác giai đoạn này luôn khiến bạn đọc phải trăn trở. Trăn trở bởi tâm hồn dường như thu mình trong nỗi buồn vô định. Cụ thể với khổ thơ sau, tác giả viết:

“Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp

Con thuyền xuôi mái nước song song

Thuyền về nước lại sầu trăm ngả

Củi một cành khô lạc mấy dòng.”

(Trích Tràng Giang – Huy Cận)

Thơ ca là sự bộc lộ cảm xúc một cách trực tiếp. Ngay trong những vần thơ, bạn đọc có thể cảm nhận được những suy tư trĩu nặng nơi tâm hồn “sầu trăm ngả”. “Điệp điệp” rồi lại “song song”, dẫu là sóng gợn hay con thuyền thì phía sau lớp ngôn ngữ ấy vẫn nén lại trong tiếng “buồn”, tiếng “sầu”. Để rồi, từ không gian rộng lớn và lạnh lẽo nơi biển khơi, sự xơ xác, lụi tàn của “củi một cành khô”, trái tim thi sĩ như bị đẩy vào hư không. Mỗi vần thơ, mỗi câu chữ cuối cùng cũng hướng về một tâm hồn nhiều mảnh vỡ, buồn bã và lẻ loi. Con người ấy dường như không tìm được sự tri âm, đồng điệu mà “xuôi, lạc, trăm ngả”. Có lẽ vì vậy mà khi nhận xét về cái tôi cá nhân lúc bấy giờ, Hoài Thanh mới gọi Huy Cận là điển hình cho sự “ảo não”.

Cũng là hình ảnh con thuyền nhưng đến với bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá” không còn nỗi buồn lẻ loi, cô đơn mà thay vào đó là một sức sống mới. Đó là sức sống của thiên nhiên đất nước buổi hoàng hôn tráng lệ:

“Mặt trời xuống biển như hòn lửa

Sóng đã cài then đêm sập cửa”

Ngay từ những vần thơ đầu tiên, Huy Cận đã mang đến cho bạn đọc một âm hưởng khoẻ khoắn của bài ca lao động. Biện pháp so sánh “mặt trời như hòn lửa” được sử dụng đầy thi vị và độc đáo đến lạ thường. Nếu nói thơ là hoạ thì quả thật thi sĩ đã mang đến một bức tranh tuyệt mỹ của cảnh hoàng hôn trên biển. Ánh đỏ của mặt trời chiều như nhuộm cả một vùng mây nước rồi ngụp lặn nơi biển khơi rộng lớn. Thiên thiên giờ đây như ngôi nhà của vũ trụ được nhân hóa qua động từ “cài then”. Cảnh vật như chìm vào giấc ngủ. Không còn là hình ảnh “khói hoàng hôn nhớ nhà” ảo não, hoàng hôn trong thơ Huy Cận sau cách mạng tháng Tám là một sức sống âm ỉ, mạnh mẽ và tươi mới.

Tuy nhiên, không dừng lại ở bức họa cảnh hoàng hôn làm xao xuyến lòng người, thiên nhiên trong “Đoàn thuyền đánh cá” còn là được gợi tả với sự giàu có, mỹ lệ, trù phú:

“…Hát rằng: cá bạc biển Đông lặng

Cá thu biển Đông như đoàn thoi

Đêm ngày dệt biển muôn luồng sáng.

Đến dệt lưới ta đoàn cá ơi!…”

Lời thơ cứ ngân vang ngợi ca vẻ đẹp của mẹ thiên nhiên. Biển cả mênh mông rộng lớn chứa đựng biết bao nhiêu loài ca. Từng đàn cá nối đuôi nhau được nhà thơ thi vị hoá qua hình ảnh “dệt biển muôn luồng sáng”. Những lời thơ đều khoác lên mình màu sắc tươi sáng. Phải chăng, vì quá say mê sự giàu có của biển khơi mà nhà thơ liền reo lên: “Đến dệt lưới ta đoàn cá ơi!”. Dấu chấm than đặt cuối dòng như sự cảm thán trước “rừng vàng, biển bạc”. Rẽ thơ và đi vào từng vần điệu, ta như sống trọn trong từng khoảnh khắc ra khơi của con người lao động, sống trọn trong cái hồ hởi trước sự hùng vĩ, tráng lệ của thiên nhiên. Để rồi, sự sung sướng ấy như nhân lên ở khổ thơ tiếp:

“…Cá nhụ cá chim cùng cá đé,

Cá song lấp lánh đuốc đen hồng

Cái đuôi em quẫy trăng vàng chóe.

Đêm thở sao lùa nước: Hạ Long…”

Tác giả đã sử dụng biện pháp liệt kê: “cá nhụ, cá chim, cá đé, cá song” như cảm thán trước sự phong phú của tài nguyên biển. Biết bao la nhiều loài tôm cá, hải sản quý hiếm đều được tác giả nhắc đến cùng những từ ngữ, hình ảnh lộng lẫy, đầy màu sắc. “Cái đuôi em quẫy” hay là “đêm thở” đều được nhân hoá khiến những hình ảnh trở nên tinh nghịch và vui tươi, có sự sống tựa con người. Huy Cận như đắm chìm trong sắc vàng của trăng, của sao trên mặt nước biển khơi. Và những cơn sóng gợn nỗi buồn điệp điệp nay dưới ngòi bút của tác giả trở nên lung linh cùng những đàn cá lặn ngụp đuôi quẫy tung.

Từ thiên nhiên rực rỡ, đầy sức sống nhà thơ lại đưa bạn đọc đến với tinh thần mới, cuộc hành trình mới của con người lao động vùng biển:

Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi

Câu hát căng buồm cùng gió khơi…”

Với Tràng Giang, ta đã từng lưu luyến, trăn trở bởi “tiếng vãn chợ chiều” đầy chất sầu bi. Nhưng với những vần thơ đầy hứng khởi, bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá” đã mang đến hình ảnh con người nhiệt tình lao động cùng cất lên bài ca tráng lệ. Đây cũng chính là những vần thơ khởi đầu cho hình tượng con người mới – con người lao động trong thời kỳ đi lên xã hội chủ nghĩa. Những lời ca hay cũng chính là tinh thần sẵn sàng của nhân dân với mong muốn góp sức mình cho sự phát triển của đất nước nói chung và miền Bắc nói riêng, tác giả viết:

“…Thuyền ta lái gió với buồm trăng

Lướt giữa mây cao với biển bằng,

Ra đậu dặm xa dò bụng biển,

Dàn đan thế trận lưới vây giăng…”

Đến với thơ Huy Cận là đến với xứ sở của cái đẹp. Đẹp bởi những hình ảnh thơ đầy sự sáng tạo và lãng mạn đến lạ thường. Nhà thơ đã vượt qua khỏi quy luật của tự nhiên mà khắc hoạ nên tư thế của con người làm chủ thiên nhiên. Gió biển trở thành cánh lái, vầng trăng lại song hành với cánh buồm, lướt nhanh trên mây cao và biển bằng. Cách gieo vần “ăng” đã phần nào mở ra một không gian biển khơi rộng lớn, hùng vĩ. Nhưng dường như con thuyền không chút nhỏ bé, vẫn băng qua những ngọn sóng mà ra xa “dò bụng biển”. Ngôn từ “dặm xa” là sự gửi gắm đầy tinh tế của thi sĩ về sự mạo hiểm của lao động. Dẫu có gian khổ nhưng những con người ấy vẫn mãi khát khao chinh phục biển khơi, làm chủ đại dương. Họ với trí tuệ của bản thân đã giăng thế trận bao vây đàn cá, thám hiểm thiên nhiên. Ở những con người của biển này, không chỉ là một tinh thần lãng mạn vui với gió và trăng mà còn là một tinh thần thép để làm giàu quê hương, đất nước. Không những vậy, tư thế của người lao động mới còn được tác giả nhấn mạnh với vẻ khoan thai, miệt mài:

“…Ta hát bài ca gọi cá vào,

Gõ thuyền đã có nhịp trăng cao

Biển cho ta cá như lòng mẹ

Nuôi lớn đời ta tự buổi nào”

Nếu như ở đầu bài thơ, tiếng ca được vút lên thể hiện tinh thần sẵn sàng ra khơi thì ở khổ thơ thứ năm, tiếng ca lại một lần nữa cất lên đầy ung dung của những con người vừa thắng một mẻ cá lớn. Trăng giờ đây không chỉ cùng cánh buồm giương cao ngọn gió mà đã trở thành nhịp gõ. Nhà thơ lại một lần nữa ngợi ca sự giàu có, trù phú của thiên nhiên qua phép so sánh “cho ta cá như lòng mẹ”. Biển như người mẹ mang đến cho người không chỉ là những giá trị vật chất mà còn là cái ôm trọn nuôi lớn ta. Câu thơ như thay lời biết ơn, trân trọng của những người con biển khởi đối với mẹ thiên nhiên.

Lao động vất vả là thế, nhưng ở họ vẫn say mê, khẩn trương lưới xếp đón nắng hồng:

“Sao mờ, kéo lưới kịp trời sáng,

Ta kéo xoăn tay chùm cá nặng.

Vảy bạc đuôi vàng loé rạng đông,

Lưới xếp buồm lên đón nắng hồng…”

Sau thời gian làm việc vất vả, những người đánh cá trở về với chiến lợi phẩm đầy ắp khoang thuyền. Dẫu có khó khăn, đi xa dặm xa biển khơi nhưng đến khi mặt trời chưa vẫy chào, những con người vạm vỡ, khỏe khoắn vẫn miệt mài lao động. Quả thật, không còn là gam màu xám xịt, u uất của phong cách thơ trước cách mạng tháng Tám, những gam màu trong “Đoàn thuyền đánh cá” là sự tươi mới, rực rỡ, đầy màu sắc. Ấy là sắc bạc của vảy, sắc vàng của đuôi hoà với nắng hồng của buổi mình binh. Đúng là tuyệt cảnh thiên nhiên được vẽ bởi ngòi bút giàu sức gợi của nhà thơ Huy Cận.

Và trên bức phông nền đầy sức sống ấy, những con người lao động vẫn tiếp tục chạy đua với thời gian:

“…Câu hát căng buồm với gió khơi

Đoàn thuyền chạy đua cùng mặt trời

Mặt trời đội biển nhô màu mới,

Mắt cá huy hoàng muôn dặm phơi”.

Sự lặp lại của câu hát, cánh buồm, gió khơi và mặt trời càng nhấn mạnh hơn nữa tình yêu thiên nhiên của tác giả. Dường như những con người lao động không thấm mệt sau những thời gian cùng biển khơi lao động. Có lẽ, vì niềm vui trở về với thành quả ngọt ngào đã khiến họ quên đi những cái xoắn tay kéo lưới, giăng bẫy ngoài dặm xa. Và hình ảnh “mắt cá huy hoàng” ở đây chính là ẩn dụ cho niềm hi vọng cuộc đời mới, cuộc sống mới đầy đủ và ấm no.

Để sáng tạo nên những tác phẩm nghệ thuật, đấy là một sự lao tâm khổ trí của những người phu chữ. Nhưng suy cho cùng, việc sáng tạo không cần một mảnh đất mới mà cần một đôi mắt mới. Với sự khám phá và đưa đến cho bạn đọc một sức sống, một hồn thơ mang sự chuyển mình, Huy Cận đã phản ánh tinh thần cuộc sống cũng như hình tượng con người lao động trong thời kỳ đất nước đi lên xã hội chủ nghĩa. Nhằm thể hiện được ý thơ này, tác giả đã tài năng trong việc xây dựng các yếu tố nghệ thuật. Đầu tiên đó là thể thơ bảy chữ kết hợp với kết cấu đầu cuối tương ứng nhằm thể hiện dòng chảy ngầm của thời gian và sự phóng khoáng của tâm hồn. Đặc biệt, mở đầu tác phẩm bạn đọc đến với hình ảnh hoàng hôn khi đoàn thuyền ra khơi và kết thúc tác phẩm là cảnh bình minh khi đã bội thu trở về. nhà thơ sử dụng các biện pháp nhân hoá và lặp lại các hình ảnh như thuyền, trăng, mặt trời, gió giúp cho bài thơ như một lời kể chuyện về hành trình ra khơi của những con người mới. Quả thật, thơ hay là hay cả hồn lẫn xác, hay cả bài.

Tựu trung lại, Huy Cận – một người khơi lại cái mạch sầu mấy nghìn năm nhưng với “Đoàn thuyền đánh cá” như thổi đến một làn gió mới trong phong cách sáng tác thơ ông. Đó là cái đẹp đầy rực rỡ với màu sắc tươi vui, đầy sức sống. Tuy nhiên, thơ ca sau cách mạng Tháng Tám lại yếu sức hơn những sáng tác trước của ông cách mạng. Dẫu vậy, dù là cung bậc cảm xúc nào, Huy Cận cũng đã mang đến cho bạn đọc một cái tôi rất riêng, không trộn lẫn. Việc phong cách thơ Huy Cận có sự chuyển mình mạnh mẽ vốn xuất phát từ yêu cầu của văn chương. Văn chương là tấm gương của thời đại. Trước hiện thực đang có nhiều đổi thay, ngòi bút của Huy Cận không thể dửng dưng trong nỗi buồn hoài cổ. Hơn nữa, văn chương luôn đề cao sự sáng tạo và cái riêng để khẳng định mình của người nghệ sĩ nên với Huy Cận, chuyển mình như một bước ngoặt trong sự nghiệp sáng tác của ông.

Thơ ca suy cho cùng cũng là cuộc đời. Từ đó, vịn vào thơ mà ta như thấy cả một dòng chảy, một sự chuyển mình của hồn thơ Huy Cận. Thi phẩm “Đoàn thuyền đánh cá” quả là một cái hay, cái mới. Mới bởi đôi mắt nhìn ngắm thiên nhiên, bởi hình ảnh con người lao động và mới bởi nhà thơ luôn nỗ lực sáng tạo không theo lối cũ. Đây cũng chính là minh chứng cho phong cách của một người nghệ sĩ chân chính.

! Nội dung: Nuôi

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *