THƠ LÀ THƠ GIẢN DỊ, XÚC ĐỘNG VÀ ÁM ẢNH

THƠ LÀ THƠ GIẢN DỊ, XÚC ĐỘNG VÀ ÁM ẢNH

THƠ LÀ THƠ GIẢN DỊ, XÚC ĐỘNG VÀ ÁM ẢNH

Đề bài:

Bằng trải nghiệm văn học, hãy làm sáng tỏ nhận định của Trần Đăng Khoa: “Thơ hay là thơ giản dị, xúc động và ám ảnh.”

Bài làm

Như chú ong vàng cần mẫn hút ngàn vạn nhuỵ hoa mới tạo nên giọt mật ngọt, con trai chịu bao đau đớn xót xa vì “hạt bụi dặm biển khơi” để tạo thành viên ngọc “tròn trặn ánh ngời”. Sáng tạo nghệ thuật của người nghệ sĩ cũng là một công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ và vô cùng gian nan. Giống nghệ nhân điêu khắc không thể cứ nhìn nguyên mẫu rồi mô phỏng lại trên chất liệu mình đã chọn, người hoạ sĩ không chỉ quan sát đời sống rồi tái hiện lại bằng những đường nét, màu sắc vô cảm vô hồn. Thi sĩ không được phép chỉ dùng vốn ngôn từ của mình chỉ để ghi lại cảnh sắc đơn thuần, không gửi vào cảm xúc. Như vậy, để cho ra đời một thi phẩm có giá trị, thi sĩ đó phải để lại dư ba vang dội trong lòng độc giả ngay cả khi trang sách đã khép lại, phải có những đặc trưng về ngôn ngữ mà thơ ca đòi hỏi, đúng như nhận định của Trần Đăng Khoa: “Thơ hay là thơ giản dị, xúc động và ám ảnh.”. Đặc biệt, “Chuyện tình Trăng và Đất” của thi sĩ Mai Thị Chuyên chính là minh chứng sắc nét cho nhận định này.

Trước hết, ta cùng đi “cắt nghĩa” ý kiến của Trần Đăng Khoa. Trước hết, “Thơ hay là thơ giản dị”, cốt lõi của thơ ca không nằm ở sự chải chuốt ngôn ngữ mà nó đọng lại ở bề sâu cảm xúc. Giản dị không chỉ là một yêu cầu mà còn là một phẩm chất của thơ hay cần có. Cái giản dị của thơ có thể ví như duyên ngầm ở một cô gái đẹp, không cần trang sức quý giá, không cần trang điểm mà vẫn có sức thu hút. Xuất phát từ những điều mộc mạc, bình dị nhưng không được đơn giản, hời hợt, cẩu thả. Giản dị theo quan điểm này là ở ngôn ngữ, hình ảnh, lối viết, tâm ý thực,…. Ngoài ra, “Thơ hay là thơ xúc động”, thơ là sự bộc lộ thế giới nội tâm sâu sắc ở người sáng tác và khi thi sĩ đã sống hết mình với những rung động, cảm xúc thì những vui buồn, âu lo, khát vọng… của người làm thơ mới động chạm đến trái tim của nhiều người, tiếng nói trữ tình trong thơ mới có thể trở thành nỗi lòng thầm kín của mọi người. Thơ hay là thơ có sức truyền cảm chân thành và mãnh liệt nhất. Và cuối cùng, “Thơ hay là thơ ám ảnh”, Sự ám ảnh của thơ được tạo bởi những ấn tượng mạnh mẽ nhất mà hình thức và nội dung thơ đã để lại trong tâm hồn người đọc. Những ấn tượng, xúc cảm mãnh liệt của thơ hay không phải được tạo bởi cường độ của bão lũ, không phải ở những xúc động nhất thời. Thơ hay, sau khi đọc xong, người đọc vẫn day dứt khôn nguôi về tình đời, tình người mà thi sĩ băn khoăn, trăn trở và ký thác trong thơ mình.

Có biết bao bài thơ đi qua đời ta vô cùng giản dị và mong manh, nhưng ẩn sâu trong lớp ngôn từ mộc mạc ấy là bề dày của tầng nghĩa, bề rộng của tri thức uyên bác cùng bề sâu của cảm xúc mãnh liệt trong lòng thi nhân. Tác phẩm văn học, đặc biệt là mảng thơ ca, như một sự mênh mang của biển cả, lúc lặng yên khi ồn ào dữ dội, nơi này có sóng cồn trên mặt nước thì ở nơi kia sóng ngầm lại hoành hành dưới đáy đại dương. Thế nhưng cũng có biết bao áng thơ văn ta từng đọc qua một lần, trong lòng không hề đọng lại chút mảy may ấn tượng. Phải chăng có biết bao nhiêu thi nhân bước vào con đường thơ ca để trải lên trên ngôn từ một lớp “nhựa đường” bóng bẩy, tưởng chừng như khiến con đường giúp độc giả đi tới cung bậc cảm xúc cao nhất trong thơ trở nên hoa mĩ và tráng lệ, nhưng thực ra dưới lớp chất liệu “mĩ từ” được khéo léo chau chuốt ấy, con đường kia bỗng trở gồ ghề và cứng nhắc , vô nghĩa hơn bao giờ hết. Họ quên đi rằng cốt lõi đích thực của thơ ca không nằm ở vẻ bề ngoài chải chuốt ấy mà là những gì chắt lọc và tinh khiết, lắng đọng lại trong lớp bề sâu của cảm xúc, ở sự chân thực của trái tim, sự đồng điệu trong tâm hồn của bạn đọc và tác giả. Nói như Thạch Lam: “Đối với tôi, văn chương không phải là cách mạng đến cho người đọc sự thoát li, hay sự quên. Trái lại, văn chương là một thứ khí giới thanh cao và tự đắc lực mà chúng ta có để vừa tố cáo và thay đổi một cái thế giới giả dối và làm cho lòng người đọc thêm trong sạch và phong phú hơn!” Thế nên, văn học và thi ca không cần phải là sự chắt chiu trong ngôn từ hay sự bay bổng trong từng câu thơ. Thơ ca chỉ có thể là một tiếng thét khổ đau, tuyệt vọng được cất lên từ bể sâu của cuộc đời. Người nghệ sĩ với một trái tim nhân ái và bao dung, một tâm hồn tài năng và thi vị, anh sẽ thổi vào từng vần thơ của mình một niềm cảm thông và chia sẻ cao độ, để mỗi ý thơ của anh khi thấm vào trong giấy trắng tinh khôi phải là một liều thuốc bổ về tinh thần. Liều thuốc ấy khi đến với trái tim bạn đọc như một sự thức tỉnh về tâm hồn mãnh liệt, thơ ca sẽ giúp chúng ta vượt qua nỗi rào cản về số phận hay những lúc đau khổ tột cùng, chúng ta tìm đến thơ như một người tri kỷ để bày tỏ nỗi lòng. Thơ đâu phải là quả bóng bay cao vời vợi nằm ngoài tầm bắt.

Trong suốt dặm hành trình dài sáng tạo của người thi sĩ và quá trình “thai nghén” của một tác phẩm thơ ca, giản dị là một yêu cầu cấp thiết và quan trọng. Cái giản dị của thơ cũng như cái duyên thầm, cái nết đẹp của một người con gái “tốt gỗ hơn tốt nước sơn”. Không cần vẻ bề ngoài trắng trẻo kiêu sa, không cần điểm hoa tô phấn, thêu cài trang sức lụa là, mà chính vẻ đẹp từ sự nết na, dịu dàng, chung thuỷ, hiền hậu của “người con gái ấy” mới thực sự là giá trị cốt lõi. Ví von thi ca với phẩm chất của một người con gái để thấy được rằng một bài thơ giá trị cũng không cần khoác bên ngoài lớp áo bóng bẩy được làm từ những mỹ từ chau chuốt ngọc ngà, chắt chiu bởi nhà thơ không thể đánh lừa độc giả bằng lớp ngôn từ hào nhoáng bên ngoài để che đậy sự trống rỗng, vô vị, vô hồn trong cảm xúc và trong tư tưởng, mà tư tưởng và cảm xúc lại chính là những điểm hội tụ của ánh sáng văn chương để soi rọi vào tâm hồn và đọc được tâm trí của độc giả. Như Nam Cao đã từng nói : “Văn chương không cần những người thợ khéo tay, làm theo một vài kiểu mẫu đưa cho. Văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi, và sáng tạo những cái gì chưa có…” (Đời thừa). Có thể thấy, “giản dị” mà thơ ca đòi hỏi tức thơ phải sáng tạo từ trong lòng những thứ mộc mạc, gần gũi , giản dị trong thơ ca nằm ở bề mặt ngôn từ,ở tình cảm kết tinh thuần túy và “vân chữ”- tức nét riêng biệt trong lối viết của mỗi thi nhân. Nhưng chớ có hiểu lầm giản dị trong thơ là sự đơn giản thuần tục, là lối viết phóng khoáng vô nghĩ vô lo, thiếu chiều sâu, bởi cái “giản dị” ấy là những phần tinh lọc và cô đọng nhất, là kết quả của quá trình tinh luyện. Thơ mà quá cầu kỳ thì sa vào xảo trá, hoang đường hiu hắt thì phần nhiều sa vào buồn bã. Chỉ có thuần hậu, giản dị, thẳng thắn không giả dối, không xảo trá, không buồn bã mà rốt cuộc chú trọng đến sự ngăn chặn điều xấu, bảo tồn điều hay, mới là cái đặc sắc chính của thơ. Như Vũ Phương Đề khi bàn về văn thơ, ông quan niệm rằng trong niên đại văn thơ xu thời hào nhoáng, khinh bạc, nên tôn trọng những vần thơ “tuy mộc mạc quê mùa, nhưng ý lại trung hậu”. Theo ông nên “trừ bỏ loại văn phù hoa trống rỗng để vãn hồi nền văn chương trong sáng, chân thực”. Vậy có thể hoàn toàn khẳng định rằng, giản dị trong thơ ca không phải là sự hời hợt, thô sơ, giản dị chứ không phải đơn giản, tầm thường. Có thể xem nó là thứ ánh sáng được lọc qua bảy sắc màu rực rỡ, được biểu hiện qua những vần thơ cô đọng và hàm súc, xuất phát từ những đề tài quen thuộc trong vòng tròn của cuộc sống với tâm điểm là con người. Bên cạnh đó, giản dị còn phải hiện lên dưới lớp bề mặt ngôn từ, tránh né đi sự dài dòng tối kỵ của thơ ca, tránh đi sự ồn ào, khoa trương, thị tài vô nghĩa hời hợt, nông cạn, nhưng vẫn phải diễn đạt được ngụ ý của nhà thơ, kết nối được con tim người đọc và người viết, hướng họ đến chân trời đích thực, như nhận định “Thi nghi đạm bất nghi nồng, nhiên tất tu nồng hậu chi đạm” (Thơ thích đạm hơn thích nồng, nhưng phải là sự đạm sau khi đã nồng).

Như bông cúc nhỏ sinh ra để luôn tự hát về vùng đất mênh mang nắng gió, như ánh mặt trời rực rỡ có mặt để thiêu đốt đi cái lạnh vĩnh cửu của mùa đông,văn học sinh ra để làm công việc giống như kẻ nâng giấc cho những con người bị cùng đường, tuyệt lộ, bị cái ác hoặc số phận đen đủi dồn đến chân tường. Thi ca từ lâu đã xuất hiện trong tiềm thức của con người như một cuộc gặp gỡ vô tình nhưng cũng có thể là hữu ý. Nó lóe lên bằng sự giao hòa giữa cảm xúc và ngoại cảnh hoặc bằng những bó đuốc số phận với số phận. Người xưa quan niệm thi ca chỉ là một trạng thái bộc lộ ra khỏi những dòng cảm xúc của con người, chúng va chạm với thanh điệu của cuộc sống hình thành nên một thứ gọi là hình ảnh thơ, như Pautopxki đã từng viết “Khi cơn mưa mùa xuân rơi ở đâu đó / Thì trên cánh đồng ngào ngạt cỏ và hoa / Khi nước mắt rơi từ người thi sĩ / Thì những lời trân quý được sinh ra”. Vậy thì “cảm xúc” mà Trần Đăng Khoa đề cập đến khi nhắc về “thơ hay” trong nhận định trên đầu tiên chính là cảm xúc bắt nguồn từ người thi sĩ. Tình cảm chi phối cái nhìn nghệ thuật của nhà thơ, họ nhìn sự vật qua lăng kính cảm xúc của riêng mình. Cùng một đề tài nhưng mỗi nhà thơ lại có cảm nhận khác nhau, tạo nên những chất thơ khác nhau. Tình cảm trong thơ phong phú, với nhiều cung bậc cảm xúc, mang tới sức sống cho những vần thơ. Thơ xuất phát từ cái nhìn cô đọng sâu lắng, là kết tinh chuỗi rung động của thi nhân về cuộc đời và là bản hùng ca vượt qua không gian, thời gian đi vào lòng độc giả. Cảm xúc làm cho những ngôn từ bình thường trở nên có hồn hơn, lung linh hơn, dễ thẩm thấu vào lòng người đọc hơn. Nhà văn Pautopxki cho rằng: “Các nhà thơ đã làm cho những chữ khô giòn, xơ xác tỏa hương”. Quả như vậy, tình cảm trong thơ không ở trạng thái tĩnh mà luôn có sự vận động. Cảm xúc trong thơ không phải thứ tình cảm dửng dưng, có chừng mực, mà là dòng chảy của xúc cảm, của tâm tư chất chứa trong lòng nhà thơ, là tình yêu nồng cháy của một trạng thái tâm lý khác thường. Người làm thơ hay vấn vương, tiếc thương cho cảnh cho người, trái tim nhà thơ trùm phủ lên muôn vật. Cảm xúc và rung động là điểm phát khởi, từ đó tình cảm trong thơ mạnh mẽ và lắng sâu. Chính từ chất men say trong cảm xúc dào dạt của người thi sĩ chảy trôi trên trang giấy, từng vần thơ cũng thấm đẫm tình cảm mãnh liệt, một triết lý sống, một ý nghĩa nhân văn sâu sắc để thay nhà thơ truyền tải thông điệp đến cho bạn đọc. Nói đến thơ ca là nói đến cảm xúc. Rung động là khởi điểm của sáng tạo. Không có rung động, thơ chỉ có phần xác mà không có hồn. Thơ ca giản đơn mộc mạc và có hồn nhất luôn có sự hòa điệu nhịp nhàng với nhịp đập cảm xúc. Giá trị tình cảm trong thơ mang phong cách và thái độ của thi nhân trước mọi cảnh đời. Khi hồn thơ càng lắng sâu thì tình cảm biểu hiện trong thơ càng trong sáng; và chính lúc tình cảm trào dâng, thi nhân cho ra đời những áng thơ tuyệt vời. Do vậy, nếu quá coi trọng hình thức mà quên đi nội dung, thiếu vắng cảm xúc thì thơ chỉ là trò sắp xếp con chữ sao cho vần cho chuẩn chứ không phải một bài thơ hay; nếu chỉ viết những bài thơ đẹp về hình thức thì chỉ được coi là một người thợ ghép chữ chứ không phải một nhà thơ thực thụ.

Với ý cuối cùng trong nhận định, Trần Đăng Khoa đã khẳng định: “thơ hay” đòi hỏi sự “ám ảnh”. Dĩ nhiên, thơ không chấp nhận sự hời hợt vô tâm, không hàm chứa những điều sáo rỗng, mục nát, chính vì thế tạo nên cái “ám ảnh” trong hồn thơ, trong tiếng thơ riêng biệt của mình cốt để lại dư ba trong lòng độc giả đã trở thành thử thách khó khăn nhất đối với mỗi ngòi bút sáng tạo nghệ thuật. Có biết bao tác phẩm lướt ngang qua mắt ta chẳng chút ấn tượng, cũng có biết bao bài thơ chạm đến trái tim ta, để lại trong lòng ta muôn vàn trăn trở và suy tư. Sự khác biệt đó không chỉ nằm trên lớp bề mặt ngôn từ, không chỉ nằm trong cảm xúc mà nhà thơ đang truyền tải, mà phải là cái gì đó sâu sắc, ám ảnh, có thể là niềm vui rạo rực, cảm xúc hân hoan, nhưng cũng có thể là nỗi buồn mênh mang, sâu rộng, những lắng lo suy tư, những trầm mặc khó nói,.. Câu thơ ám ảnh phải là câu thơ mở đầu bằng cảm xúc của tác giả và kết thúc trong sự nghẹn ngào vỡ oà của độc giả, phải là câu thơ thật sự có thể diễn đạt được xúc cảm, diễn đạt trọn vẹn một trạng thái trong tình huống cụ thể nào đó. Đọc câu thơ đầy sức ám ảnh ấy lên, bạn đọc có thể quên đi chủ thể sáng tạo, có thể quên đi lớp ngôn từ tinh lọc mà chỉ còn thấy những khoảng lặng trong tâm hồn mình, những khoảng lặng để bản thân chiêm nghiệm, nhớ nhung, đối chiếu rồi vỡ oà, nhận ra giá trị của câu thơ giản dị. Ấy mới là thơ hay!

Có thể nói, xuyên suốt trong thi đàn văn học nước nhà , có không ít những tác phẩm thơ ca xuất sắc, tiêu biểu, nhưng để làm rõ cho nhận định “Thơ hay là thơ giản dị, xúc động và ám ảnh” của Trần Đăng Khoa , thi phẩm “Chuyện tình Trăng và Đất (Mai Thị Chuyên) chính là một trong những minh chứng rõ ràng và chi tiết nhất:

“Em kể anh nghe chuyện Trăng và Đất

Xa tự lòng mới thật sự là xa…”

Đến với bài thơ, điều gây xúc động mạnh mẽ với bạn đọc chính là nhan đề dung dị mà hàm chứa nhiều tầng nghĩa sâu xa “Chuyện tình Trăng và Đất”. Chủ đề tình yêu từ lâu đã không còn xa lạ, mới mẻ với mỗi người trong chúng ta, đã có không biết bao nhiêu giấy mực viết về chủ đề này, bởi tình yêu luôn là một điều bí ẩn mà đầy lôi cuốn, hấp dẫn con người, đem lại cho con người nhiều cung bậc cảm xúc khi nồng nàn yêu thương, khi mãnh liệt đau đớn. Chính cách chọn chủ đề quen thuộc và gần gũi ấy, cùng với nhan đề ấn tượng gợi ra hai hình tượng “Trăng và Đất”- “em và anh” trong tình yêu đã tưới lên một dòng nước mát lành trong ấn tượng thuở ban đầu của độc giả về bài thơ. Tác giả đã khéo léo sử dụng hình ảnh “Trăng” cùng hình ảnh “Đất”- hai hình ảnh rất gần gũi, giản dị, mộc mạc. Trăng từ lâu đã là nguồn cảm hứng bất tận cho thi ca, nhưng nhìn “Trăng và Đất” qua lăng kính lãng mạn hoá, gắn ghép hai hình tượng gần như đối lập nhau để chúng trở thành một cặp đôi hoàn hảo, để chúng bù đắp và bổ sung cho nhau, để bạn đọc hình dung ra được một đôi tình nhân lãng mạn thắm thiết lại là một sự lạ hóa, một cách dùng từ “vừa mang tính kế thừa, lại vừa độc đáo sáng tạo”.

Khổ thơ đầu tiên như tiếng lòng lắng đọng cùng bao suy tư triền miên khó bộc bạch của người con gái, đành mượn chuyện tình của “Trăng và Đất” để gửi gắm đến người mình thương:

‘’Em kể anh nghe chuyện Trăng và Đất
Không hiểu quen nhau tự khi nào?
Nhưng tình yêu đâu tính trước – sau,
Chẳng biết đúng – sai để mà phán xử
Trái tim muôn đời đập nhịp riêng của nó
Cả những ghen hờn, cả những hy sinh…”

Ta nhớ đến nữ sĩ Xuân Quỳnh đã từng thổn thức trong “Sóng” một tâm tư, một nỗi niềm của người phụ nữ khi đang sống trong những xúc cảm khi nồng nàn khi mãnh liệt của tình yêu: “Sóng bắt đầu từ gió/ Gió bắt đầu từ đâu/ Em cũng không biết nữa/ Khi nào ta yêu nhau”. Đối chiếu với câu thơ “Không hiểu quen nhau tự khi nào” của nữ sĩ Mai Thị Chuyên, ta bắt gặp những điểm tương đồng hoà quyện đến kì lạ. Tình yêu đến với ta lúc nào cũng không biết, chiếm lấy tim ta lúc nào cũng không hay, một ánh mắt bâng quơ, một nụ cười bất chợt, một câu nói vô tình cũng làm trái tim của kẻ đang yêu đắm chìm và loạn nhịp liên hồi. Phải, tình yêu là thế đấy, không ai có thể giải nghĩa được cội nguồn hình thành của tình yêu, không ai có thể cắt nghĩa được thế nào là tình yêu, là khoảnh khắc “em” phải lòng“anh” giữa biển người mênh mông vô tận, hay là ánh nhìn của “anh” đã khiến em chìm đắm và mê say, đem lòng thầm thương trộm nhớ, hay là khoảnh khắc “em” nhận ra rằng “anh” chính là một mảnh ghép còn thiếu trong cuộc đời, là một nửa mình đang mải mê tìm kiếm. Chuyện tình giữa “Trăng” và “Đất” kia thực ra chính là ẩn dụ cho chuyện tình giữa “anh” và “em”, giữa đôi ta đầy nồng nàn và mãnh liệt. “Trăng” đã yêu “Đất” tự thuở nào, chẳng ai còn có thể nhớ nổi, chỉ biết rằng từ buổi khai thiên lập địa, “Trăng” chẳng đêm nào là quên soi rọi ánh sáng huyền hoặc mê ảo của mình xuống “Đất”. Cả hai cùng nhau gắn bó, cùng nhau trải qua muôn vàn khó khăn cách trở, bởi thế nên “không hiểu quen nhau tự khi nào”. Cũng như “anh” và “em”, vì quá đắm chìm trong tình yêu đôi lứa nên không ai còn có thể nhớ nổi mình đã phải lòng đối phương từ thuở nào, hay khi ánh mắt của đôi bên lần đầu chạm phải đã thôi thúc trái tim đập loạn nhịp, tiếng sét ái tình đì đùng trong lòng mãi không ngưng đến tận giây phút này đây. Sau khi khơi gợi về chuyện tình ngày xưa của “Trăng và Đất”, nữ thi sĩ tiếp tục nêu đến những quy luật muôn đời của tình yêu : “Nhưng tình yêu đâu tính trước-sau”. Quả vậy, yêu là cùng nhau đi qua tháng ngày bằng nỗi nhớ, làm sao có đong đếm được tình yêu qua thời gian. Trên cuộc đời này, người tình có thể sẽ ra đi, nhưng chỉ có chuyện tình là ở lại mãi mãi với chúng ta. Hạnh phúc trong tình yêu đâu chỉ là một tình yêu vĩnh cửu, là nắm tay nhau đến cuối đời, đến khi “răng long đầu bạc”. Không, cái chân chính và hạnh phúc của tình yêu thực ra là cảm giác hạnh phúc, yên bình, cảm thấy được sự ấm, thấy mình được yêu thương và bảo bọc bởi đối phương, cùng nhau trải qua những khoảnh khắc tuyệt vời và đáng nhớ nhất, khiến cho trái tim biết rung động, biết thổn thức, khóc đó cười đó mới chính là giá trị cốt lõi của tình yêu. Bởi thế nên tác giả đã khẳng định “tình yêu đâu tính trước-sau”, ai phải lòng ai trước, ai rung động ôm nỗi tương tư hoài vì ai trước,… không nằm trong vòng tròn quy luật của tình yêu. Tình yêu không có giới hạn, không thời gian và không bến bờ. Chính từ sự không phân định thời gian, tác giả đã mở ra thêm một quy luật mới “Chẳng biết đúng-sai để mà phán xử”. Tình yêu thì làm gì có đúng sai, phải trái. Một khi con tim đã rung động mãnh liệt thì dù cho vật đổi sao dời, con người vẫn phải tìm cách để đến được với nửa kia của mình. Ta từng nhớ đến một nàng Kiều “xăm xăm băng lối vườn khuya một mình” để tìm gặp chàng Kim, để khuây khỏa nỗi nhớ nhung quay quắt trong dạ. Ta từng biết đến một chàng Romeo và một nàng Juliet trong vở kịch được viết bởi William Shakespeare, mặc dù sinh ra trong hai dòng tộc có mối thù hằn lâu đời, họ vẫn phải lòng và yêu thương nhau, sẵn sàng hy sinh cả cuộc đời và thậm chí là tính mạng để sánh vai cùng nửa kia. Vậy đúng hay sai trong tình yêu có nghĩa lý gì nữa khi hai trái tim đã hòa làm một, khi hai mảnh ghép mà nửa kia tìm kiếm đã gặp được nhau thì vũ trụ thiên hà cũng khó lòng thay đổi. Yêu rồi thì sai cũng thành đúng, đúng cũng thành sai. Bởi tình yêu đâu thể cắt nghĩa, đâu thể gỉai thích bằng những logic thông thường, muốn hiểu được tình yêu chỉ có duy nhất một con đường là thấu hiểu nửa kia và thấu hiểu chính trái tim yêu của mình. Thế nhưng quan niệm tình yêu trong mỗi chủ thể khác nhau là một phiên bản khác nhau. Có người yêu với sự ghen tuông mãnh liệt, có kẻ lại đón nhận tình yêu một cách dịu dàng, tha thiết, cũng có người dám hy sinh mọi thứ, dám làm mọi điều, thậm chí một cách mù quáng để có được người mình yêu thương. Chính vì thế mà nữ sĩ đã khẳng định “Trái tim muôn đời đập nhịp riêng của nó/ Cả những ghen hờn, cả những hy sinh”. Quả đúng! Tình yêu sẽ mãi trường tồn và thử thách con người, trái tim của mỗi chủ thể sẽ đập theo một cách riêng biệt, không ai là hoàn toàn giống hệt ai cả. Chính vì sự khác nhau trong nhịp đập con tim ấy đã tạo sự bí ẩn đầy lôi cuốn, sự khó hiểu đầy hấp dẫn cho con người, để con người đi tìm lời giải đáp mà vĩnh hằng khó có thể có câu trả lời một cách hoàn hảo, chính xác.

Nối tiếp cung bậc cảm xúc của những dòng thơ đầu, Nguyễn Thị Chuyên đã bộc bạch tỉ tê cho hình tượng “anh” nghe về những nỗi buồn trong chuyện tình của “Đất và Trăng”.

“Có những lần Trăng đau quá lặng thinh
Đất tay ngắn làm sao ôm được
Nước mắt lặng thầm cả hai cùng ướt
Đêm tối, trăng mờ, đất lạnh, trời mưa…”

Có lẽ tác giả đã soi chiếu vạn vật qua lăng kính lãng mạn, bay bổng trong tình yêu nên hai hình tượng sóng đôi “Trăng và Đất” đã đại diện cho hai nhân vật “anh và em”. “Trăng” mà tác giả đang nhắc đến phải chăng là biểu tượng của một người con gái yếu mềm, xúc động mãnh liệt và tràn đầy rung cảm trong tình yêu. Còn “Đất”- một người con trai hiền hoà, dung dị, rộng lượng bao la như đất và cũng thầm lặng, trầm mặc xiết bao. Chính sự hoà hợp giữa hai hình tượng gần như đối lập nhau ấy, nữ sĩ đã ngầm viết nên câu chuyện tình giữa hai con người với hai thế giới cảm xúc và tính cách khác biệt: người con gái ôm nhiều suy tư trăn trở, nhiều nỗi lo âu vô định trong tình yêu, dễ dàng xúc động và rung cảm trước những biến đổi trong tình yêu, còn người con trai lại rất điềm tĩnh, trầm mặc, ít thổ lộ tâm tư và suy nghĩ. Thế nên có những lúc tranh cãi, những hiểu lầm mà đôi bên không thể giải thích cùng nhau, đôi bên không thấu được cho nhau “có những lần Trăng đau quá lặng thinh/ Đất tay ngắn làm sao ôm được”. Hẳn rằng có không ít lần sự vô tâm, vô tình của “Đất” đã khiến “Trăng” đắm chìm trong những suy nghĩ mông lung. Thế mà “Trăng” lại chọn “lặng thinh”, không bày tỏ nỗi lòng của mình. Cũng giống như người con gái khi yêu, trong lòng những lúc đau đớn, khổ sở vì một nỗi niềm nào đó nhưng đã chọn không bộc bạch với đối phương mà lại muốn đối phương phải tự nhận ra, tự thấu hiểu và an ủi. Nhưng thực tại của tình yêu thì luôn khốc liệt. Và không chỉ những cãi vã, những căm hờn mới gây ra sự đổ vỡ trong tình yêu, mà chính sự lặng thinh, không hiểu được cho nhau, không biết đối phương mong muốn điều gì mới chính là vết rạn nứt của mối quan hệ. Những vết rạn nứt dù có nhỏ bé đến đâu theo thời gian cũng dần trở nên lớn hơn, rồi đến một ngày sẽ gây ra đổ vỡ. Chính từ sự không hiểu nhau ấy, trái tim của đôi bên quặn thắt khôn nguôi, giọt lệ buồn cũng vì thế mà thấm ướt đôi gò má. “Nước mắt” là hiện thân rõ nhất của những đau khổ, những bất hạnh, những buồn bã không nói thành lời. Để rồi “trăng mờ, đất lạnh”, “em” và “anh” lặng im để rồi “chúng ta” xa nhau, không có một lý do rõ ràng, không có một nguyên nhân xác đáng. Phải, tình yêu quả là như thế, làm sao có thể tưởng tượng được những khoảng lặng trong tình cảm kia lại là thứ đáng sợ hơn cả, là thứ làm tan nát trái tim con người một cách lặng thầm, là thứ phá huỷ tình yêu nhanh đến như thế. Qua đoạn thơ, tác giả đã ngầm gửi gắm, cũng là lời người con gái nhắn nhủ cho người con trai: Khi yêu, hãy đặt mình vào vị trí của nhau, hãy chia sẻ và bộc bạch cho người kia những tâm tư, suy nghĩ, những trăn trở, day dứt của mình để cùng nhau giải quyết, để người này có thể thấu hiểu cho người kia. Điều cấm kị nhất trong tình yêu là sự lặng thinh, ôm trong lòng những tổn thương một mình dần dà sẽ gây ra những khoảng lặng, những vết rách trong tim không thể nào chắp vá, hàn ghép.

“Có những ngày Trăng sáng để Đất vui
Mây lại đùa trêu che vầng Trăng tỏ
Đất nằm im, hiền lành nghe tim vỡ
Trở mình một dòng dung nham…”

Cũng giống như người con gái khi trong lòng vấn vương những nỗi niềm, những suy tư bồi hồi , người con trai khi gặp trắc trở trong tình yêu cũng lựa chọn im lặng. Những lúc “Trăng” sáng , “Trăng” tỏ chính là những lúc người con gái chau chuốt cho bản thân trở nên xinh đẹp, sánh đôi cùng người tình nhân của mình để người kia cảm thấy tự hào, cảm thấy được sự kiều diễm của người con gái mình thương. Thế nhưng vẫn có đầy rẫy những cặp mắt ngoài kia đang đắm chìm trước sự sáng trong của “Trăng” và đem lòng say mê khiến “Đất nằm im.. nghe tim vỡ”. Đó là sự ghen tuông, hờn giận trong tình yêu. Ai mà chẳng ích kỷ, ai mà chẳng muốn người mình thương là của riêng mình. Và người con trai trong bài thơ cũng vậy, khi chứng kiến những gã si tình muốn cướp đi người con gái xinh đẹp của mình, trong lòng họ vừa ghen tuông dữ dội. như “dòng dung nham”, nhưng lại chọn lặng im, lại chọn ấp ôm những suy tư, lo âu, hờn giận ấy một mình. Thật đúng khi đối chiếu với tình yêu trong thực tại. Một người đàn ông lúc nào cũng muốn che giấu đi những ghen tuông, những tủi hờn bởi cái tôi, cái sĩ diện, nhưng trong lòng họ thì không ngớt những lo âu, những suy nghĩ mông lung về tương lai, họ sợ vòng tay mình không đủ lớn để ôm trọn người con gái ấy. Và cũng như đoạn thơ trên, chính những im lặng, những nỗi niềm không nói nên lời ấy đã cứa một vết đứt sâu trong tim “Đất”, đã khiến tình cảm trở nên mai một, khiến tình yêu đôi lứa trở nên lụi tàn vô nguyên cớ. Như trong bài thơ “Xa cách”, ông hoàng thơ tình Xuân Diệu cũng đã tỉ tê tâm sự:

“Kiếm mãi, nghi hoài, hay ghen bóng gió
Anh muốn vào dò xét giấc em mơ.
Nhưng anh giấu em những mộng không ngờ
Cũng như em giấu những điều quá thực…”
(Xa cách- Xuân Diệu)

Đoạn thơ cuối, nữ sĩ đã khắc hoạ được những gắm mà cô gái muốn chàng trai thấu cảm qua câu chuyện tình giữa “Đất” và “Trăng”:

“Anh có thương không Đất với Trăng vàng?
Vì yêu xa mà đau khổ
Mình may mắn luôn được gần hơn họ
Đừng để lạnh lòng dù đã chặt tay ôm
Đừng để lạc đường những lúc cô đơn
Đừng vì ghen mà hờn giận
Đừng im lặng khi tủi phận
Xa tự lòng mới thật sự là xa…”

Câu hỏi tu từ “Anh có yêu không” không chỉ là một câu nghi vấn, không chỉ là cần một lời giải đáp minh bạch, mà đó là tiếng lòng, là nỗi niềm dâng lên sau bấy nhiêu những kìm nén của người con gái : qua câu chuyện này anh có yêu không, có thương không những vui buồn hờn giận mà em và anh đã trải qua, như những gì “Trăng” và “Đất” phải âm thầm gánh chịu. “Đất” và “Trăng” xa xôi là như thế, chẳng biết đôi tình nhân ấy xa cách đến bao nhiêu, là triệu triệu năm ánh sáng hay chỉ cách nhau một sự thấu cảm cho đối phương. Chính vì “yêu xa” mà “Trăng” và “Đất” khó có cơ hội để giãi bày, để trải lòng, để vỗ về nửa kia, để hàn gắn lại những vết nứt trong tình cảm. Huống chi là “anh” và “em”, ở gần bên nhau xin đừng lạnh lùng để rồi lạc mất nhau, để rồi những vết nứt nhỏ bé trong khoảng lặng mà cả hai không thể sẻ chia trở nên lớn hơn và khiến mối quan hệ này sụp đổ dù cả hai vẫn còn những tình cảm mãnh liệt.Điệp từ “đừng” đã khiến cho hình ảnh người con gái lúc này như đang rưng rưng hàng nước mắt, thổn thức nghẹn ngào để bật lên tiếng lòng sâu thẳm. Chữ “đừng” như một lời cảnh báo, lại như van xin, nài nỉ. Người con gái đang nhắn nhủ một thông điệp của tình yêu: đừng để tình yêu nguội lạnh khi cả hai vẫn còn ở bên nhau, đừng để đối phương cô độc trong mối quan hệ của chính mình, đừng để những ghen tuông và hờn giận tạo nên sự im lặng, tạo nên một khoảng cách ngăn không cho hai trái tim xích lại gần nhau. Câu thơ cuối “xa tự lòng mới thật sự là xa” đã khẳng định một chân lý trong tình yêu mà thi sĩ đã bộc bạch: khoảng cách xa nhất không phải là giữa mặt đất với trời,trăng, giữa châu lục này với châu lục khác, mà khoảng cách xa nhất trong tình yêu chính là khi trong lòng cả hai không còn nhau nữa, không còn chiếc cầu nào có thể nối kết để bên này tìm đường vào trái tim của bên kia nữa. Tình yêu sẽ nguội lạnh, khô quắt và chết đi như một bông hoa lụi tàn.

Thi phẩm “Chuyện tình Trăng và Đất” đã mượn hình ảnh “Trăng” và “Đất” để kể nên câu chuyện tình yêu, những khoảng lặng, những nốt ngân vang trong tình yêu của “anh” và “em”. Bằng cách sử dụng hình ảnh biểu tượng, cụ thể là “Trăng” và “Đất”- hai hình ảnh thiên nhiên đẹp đẽ, hồn nhiên, khoáng đạt, tươi mát, nữ sĩ đã viết nên những tâm sự, suy tư trong mối tình của “anh” và “em”. Đó cũng chính là vẻ đẹp bình dị, vẻ đẹp vĩnh hằng của thiên nhiên, như tình yêu chân thành và chung thuỷ mà “Trăng” và “Đất” dành cho nhau. Cả bài thơ gồm bốn khổ được viết theo thể thơ tự do phóng túng, khoáng đạt, không hề gò bó, gượng ép, mang lại cho người đọc cảm giác dung dị, gần gũi, như đang lắng nghe người tình nhân của mình tỉ tê tâm sự. Bài thơ không đơn thuần chỉ kể về những khoảng lặng thường gặp trong tình yêu, mà còn là lời nhắc nhở, khuyên răn con người cách cư xử, cách thấu hiểu nửa kia của mình một cách hài hòa, đúng mực, tránh đi sự lạnh lùng vô tâm vốn là sự kiêng kị trong tình cảm gái trai. Bên cạnh đó, bài thơ còn có sự kết hợp hài hoà giữa chất tự sự và trữ tình, tạo nên giọng điệu thơ sâu lắng. Từ câu chuyện của “Trăng” và “Đất”, giữa “anh” và “em”, người đọc cảm nhận được những suy tư sâu lắng, những niềm trăn trở bổi hổi và khôn nguôi trong lòng thi sĩ, dễ dàng kết nối, tìm thấy được sự đồng điệu giữa hồn thơ nồng hậu đượm tình ấy với tâm hồn của chính bản thân mình. Không chỉ có ở kết cấu, nữ sĩ Mai Thị Chuyên đã khéo léo sử dụng xuyên suốt trong bài thơ là những từ ngữ gần gũi, quen thuộc với lời ăn tiếng nói hàng ngày, tạo nên sự thân thuộc, gắn bó, dịu dàng và đầm ấm như một cuộc tâm tình, tỉ tê với người yêu. Cả bài thơ toát nên vẻ giản dị, xúc động và cũng đầy ám ảnh, đúng như Trần Đăng Khoa đã nhận định. Từ đó có thể khẳng định một cách rõ ràng, bài thơ “chuyện tình Trăng và Đất”chính là minh chứng sáng trong và minh bạch nhất cho nhận định “Thơ hay là thơ giản dị, xúc động và ám ảnh.” (Trần Đăng Khoa)

Trong thần thoại Hy Lạp, thần tình yêu Eros được xây dựng là hình ảnh một cậu bé tinh nghịch. Có lẽ cũng bởi tình yêu là thứ làm trẻ hoá con người ta bao đời nay. Thứ tình cảm thuần khiết ấy đã nghiêng bóng xuống bao trang văn thơ đông tây kim cổ. Và thi phẩm “chuyện tình Trăng và Đất”chính là điểm hội tụ ánh sáng của muôn triệu vì tinh tú, là sự kết tinh giữa chất “giản dị, xúc động và ám ảnh”, xứng đáng được mệnh danh là “thơ hay”- đủ sức làm rung động lên cả những con tim tưởng như đã chai cứng, những tâm hồn ngỡ như cằn cỗi già nua bằng dòng nước mát lành tinh khiết của tình yêu tuổi trẻ. Đọc tác phẩm, ta như đọc một cuộc đời, đọc những tâm trạng, là tự soi mình vào để sống, để ứng xử trong tình yêu một cách khôn ngoan, đẹp đẽ hơn. Sự đời thương hải tang điền, nhiều đổi thay khó đoán. Một mai, hành trình sống của con người liệu còn có sự dõi theo của văn chương nghệ thuật? Câu trả lời cuối cùng cho nhân loại vẫn còn đó, nhưng có một điều chắc chắn rằng: bằng kiến thức uyên bác cùng khả năng thấu nhị văn học xuất chúng, Trần Đăng Khoa đã để lại trên thi đàn một nhận định sáng trong, vượt qua mọi sự băng hoại của thời gian để ở lại mãi với đời.


Bài viết của Nguyễn Thị Thanh Thảo, lớp 12, trường THPT Long Thành.
Ảnh: Nhất Linh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *