Tâm trạng Tràng trong buổi sáng hôm sau

Tâm trạng Tràng trong buổi sáng hôm sau

Đề bài:

Cảm nhận diễn biến tâm trạng của Tràng trong buổi sáng đầu tiên Tràng có vợ, từ đó nhận xét về sự thay đổi của nhân vật.

(Vợ nhặt – Kim Lân, Ngữ văn 12, Tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2019).

Bài làm:

Văn học lấy khởi đầu từ đâu nếu không phải những cảnh ngộ của đời sống, mảnh đời kia sẽ đứng trên trang sách bằng cách nào nếu không được nâng bởi chữ nghĩa, hòn lương tri nóng bóng trong họ cất cao lên nhờ đâu nếu không có đôi cánh của trái tim luôn quặn thắt vì đời ở người cầm bút, và cuối cùng chuyên cơ ngôn từ sẽ đáp xuống nơi nào nếu không phải mảnh đất mang tên triết lí nhân sinh. Thắc mắc trong tôi cứ ngày một nhiều mà chưa có lời giải đáp cho đến một ngày tôi lạc vào miền đất của môn nghệ thuật đầu tiên. Ở đó tôi bắt gặp một anh nông dân nghèo khổ nhưng thắm thiết tình người, dám vượt dậy từ tăm tối đói khát để mơ ước về một mái ấm gia đình. Nhìn kĩ mới biết ấy là anh cu Tràng trong truyện ngắn “Vợ nhặt” của nhà văn Kim Lân, nhân vật đã có những diễn biến tâm lí đầy xúc động vào buổi sáng đầu tiên khi có vợ. Từ trang tâm trạng của anh du khách văn chương ngạc nhiên trước những đổi thay đáng ghi nhận của nhân vật ở phần cuối tác phẩm.

Là một cây bút truyện ngắn xuất sắc của văn học Việt Nam hiện đại, Kim Lân gây ấn tượng với người đọc bởi dấu ấn riêng biệt trong những thú “phong lưu đồng ruộng”. Tìm về trang viết Kim Lân, độc giả dễ dàng bắt gặp cái thế giới của những người thường dân nghèo hèn, khổ đau trong xã hội cũ. Tuy nhiên văn nhân cho rằng: họ là những con người chịu nhiều thiệt thòi. Nên ông muốn viết để đòi quyền sống và quyền tự do cho họ. Nhân vật trong sáng tác Kim Lân dù trong bất cứ hoàn cảnh nào vẫn không đánh mất đi bản chất tốt đẹp của mình, vẫn thật thà, chất phác, vẫn thông minh, hóm hỉnh và đặc biệt vẫn luôn hưởng về sự sống, hướng về tương lai. So với những tác giả văn học đương thời như Tô Hoài hay Nguyên Hồng, “cha đẻ của đồng ruộng” sáng tác không nhiều. Ông là minh chứng cho mẫu nhà văn “quý hồ tinh bất quý hồ đa”, mang trong mình sự kĩ lưỡng, cẩn trọng và nghiêm túc khi làm nghề.

Ấy vậy mà để điểm lại bốn tác phẩm văn xuôi xếp vào loại gần như “thần bút”, người ta không thể không kể tới kiệt tác “Vợ nhặt” của Kim Lân. Tiền thân của truyện ngắn này là tiểu thuyết “Xóm ngụ cư” viết ngay sau Cách mạng tháng Tám. Nhưng do thất lạc bản thảo, tới năm 1954, Kim Lân mới dựa vào một phần cốt truyện cũ để viết “Vợ nhặt”. Tác phẩm vì thế không chỉ là kết quả của quá trình suy ngẫm, gọt giũa cả về nội dung và nghệ thuật mà còn mang âm hưởng lạc quan của thời đại mới. Thiên truyện miêu tả sức sống kì diệu, bản chất tốt đẹp của con người ngay giữa những tháng ngày tăm tối nhất của nạn đói năm 1945.

Nếu người thầy của văn nhân là Nam Cao để cho Chí Phèo bước vào tác phẩm cùng tiếng chửi đời đầy phẫn uất trong men say thì Kim Lân đã tạo những ấn tượng đầu tiên về nhân vật Tràng qua bức chân dung sơ sài của tạo hóa với “cái lưng to như lưng gấu hai con mắt nhỏ tý, gà gà đắm vào bóng chiều, hai bên quai hàm bạnh ra, rung rung làm cho cái bộ mặt thô kệch của hắn lúc nào cũng nhấp nhỉnh những ý nghĩ gì vừa lý thú, vừa dữ tợn”. Hơn nữa y còn được giới thiệu là dân ngụ cư – thứ dân vốn bị coi khinh và chịu nhiều thiệt thòi trong xã hội cũ. Cuộc sống bấp bênh, long đong trong đói nghèo. Cả gia tài của hai mẹ con Tràng chỉ là một ngôi nhà vắng teo đứng “rúm ró trên mảnh vườn xung quanh lổn nhổn những búi cỏ dại”. Thật chẳng sai khi nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn nhận xét về nghệ thuật tạo dựng nhân vật trong sáng tác văn nhân rằng: “Kim Lân là nhà văn của lớp người đầu thừa đuôi thẹo”. Nhưng dường như “những mẫu người đầu thừa đuôi thẹo ấy đã gửi một đại diện của họ vào văn học”. Việc văn nhân đặt nhân vật vào giữa những tháng ngày tăm tối nhất của nạn đói, thời điểm người ta lo chắt chiu từng hạt gạo, để bẩy lên tấm lòng sáng rực giữa trời đen của Tràng khi hào phóng chi tiền mời người đàn bà xa lạ “một chặp bốn bát bánh đúc”. Tấm lòng nhân hậu của y mở rộng để sẵn sàng cưu mang những mảnh đời rách nát hơn cả mình. Thậm chí ngòi bút Kim Lân xoáy sâu vào lòng người đọc ấn tượng về niềm khao khát hạnh phúc mãnh liệt trong anh. Một người đàn ông can đảm gạt bỏ nỗi ám ảnh về miếng cơm, manh áo để tiến tới hạnh phúc thiêng liêng nhất ở tuổi trưởng thành. Sự kiện lấy vợ đã tạo ra bước ngoặt lớn trong cuộc đời anh, mang đến trong anh những cảm xúc rất người. Và sau tất cả người ta nhận thấy sự chuyển biến lớn lao trong tâm trạng Tràng vào buổi sáng hôm sau. Chợt nhớ thuở trẻ thơ ta bất ngờ về cái vươn vai mạnh mẽ thành hình hài khổng lồ của Gióng thì khi trưởng thành ta lại thấy xúc động về cuộc cách mạng tâm hồn trong một con người. Người đàn ông mấy ngày trước vẫn còn vui đùa với trẻ con nay đã mang trong mình những suy nghĩ chín chắn. Phải chăng cái quyết định gắn hai mảnh đời khốn khó lại với nhau của Kim Lân không chỉ đem tới những thay đổi về vị trí trong gia đình mà còn mang tới những thay đổi về ý thức bổn phận, trách nhiệm trong anh.

Nhà văn Nguyễn Khải đọc chữ nghĩa Kim Lân rồi cất lời tán thưởng gọi ông là “thần viết” một phần bởi bút lực Kim Lân “sâu lắng, cẩn trọng, tỉ mẩn, luôn luôn cố gắng để đi tới tận cùng những nỗi niềm, tâm trạng của từng con người, từng số phận riêng để từ đó góp một tiếng nói riêng vào trang sử chung về tâm tư, tình cảm của con người Việt Nam, của văn học Việt Nam hiện đại”. Diễn biến tâm trạng anh cu Tràng trong buổi sáng đầu tiên khi có vợ là một sự cẩn trọng như thế trong ngòi bút Kim Lân. Trang tâm trạng của Tràng vào buổi sáng hôm sau biến ảo diệu kì, phong phú những cảm xúc. Trên hành trình của sự đổi thay ấy, người ta thấy điểm khởi đầu tâm trạng trong anh rơi vào nốt ngân của niềm hạnh phúc. Nhà ngôn từ đã thật tỉ mĩ cắt nghĩa cho độc giả thấy niềm hạnh phúc thật đáng yêu ở chàng trai mới cưới – một sự sung sướng đến ngỡ ngàng, không dám tin việc mình có vợ là thật. Trở dậy sau giấc ngủ dài, Tràng thấy thật khoan khoái, dễ chịu: “Trong người êm ái lửng lơ như người vừa ở trong giấc mơ đi ra”. Lạ lùng thay câu văn tự sự lại mang đậm cách gieo vần của thơ ca. Một loạt vần “ơ” bắt với nhau trong dòng cảm xúc rất thơ, rất người của Tràng. Những tưởng sự “êm ái” kia là do sự nghỉ ngơi mang đến, sự “lửng lơ” kia được tạo ra do chiêm bao từ cơn mê. Nhưng không đó là chất men say của tình yêu khiến anh lâng lâng, bồng bềnh trong hạnh phúc. Một cảm xúc thật khác lạ chưa từng xuất hiện trước đây trong y “nó ôm ấp, mơn man khắp da thịt Tràng, tựa hồ như có bàn tay vuốt nhẹ trên sống lưng”. Chất điện của tình yêu dường như khiến người ta rơi vào những thứ cảm xúc chẳng thể cắt nghĩa, nhưng không thể không thôi khao khát. Cảm xúc ấy phải chăng giống như Xuân Diệu từng bộc bạch:

“Từ lúc yêu nhau, hoa nở mãi

Trong vườn thơm ngát của hồn tôi”

Tràng thấy mình hạnh phúc như đang ở trong mơ và không thể tin rằng nó có thực: “Việc hắn có vợ đến hôm nay hắn vẫn còn ngỡ ngàng như không phải”. Ngẫm thử mới thấy việc Tràng có vợ đâu khác gì một giấc mơ. Câu chuyện nên vợ nên chồng của thị với Tràng tưởng đùa mà hóa thật, chuyện thật mà lại như đùa. Bởi xưa người ta muốn lấy vợ phải cần sính lễ và thủ tục cưới xin. Đến trong cảnh đói kém, nghèo nàn Dần được người ta rước về cũng có lấy hai mươi đồng bạc cưới và bữa cơm của hai bên gia đình. Vậy mà Tràng lại lấy vợ chỉ bởi một câu hò vu vơ, một lời tầm phơ tầm pháo và bốn bát bánh đúc. Chuyện trọng đại của đời người nhưng diễn ra thật chóng vánh. Hai chữ “ngỡ ngàng” vì thế là một phát hiện rất tinh tế của “thần bút” Kim Lân. Thậm chí diễn đạt “ngỡ ngàng” ấy còn hoàn toàn hợp lí bởi một kẻ ngờ nghệch, “hơi dở” tưởng chừng “ế” nhưng lại có một người đàn bà chịu theo không về. Một dòng tâm trạng rất thật của Tràng, nhưng mang sức tố cáo mãnh mẽ hướng vào xã hội thực dân. Chính chúng đã gieo bao sự khổ cực, đói kém, bao gánh nặng của cơm áo khiến người nông dân không dám nghĩ tới hôn nhân, không dám tin vào hạnh phúc, dù hạnh phúc đang ở trong tầm tay.

Có được một vị trí mới trong gia đình giúp cho Tràng quan tâm hơn ngôi nhà mình. Y bỗng chợt nhận ra những thay đổi “mới mẻ, khác lạ” trong không gian sống của mình. Giống như Chí thấy cuộc đời ngoài kia tươi vui với “mái chèo đuổi cá”, với “tiếng chim hót ngoài kia vui vẻ quá” sau bát cháo giàu tình thương của thị Nở, Tràng để ý tới “nhà cửa, sân vườn hôm nay đều được quét tước, thu dọn sạch sẽ gọn gàng. Mấy chiếc quần áo rách như tổ đỉa vẫn vắt khươm mươi niên ở một góc nhà đã thấy đem ra sân hong. Hai cái ang… đã kín nước. Đống rác mùn… đã hót sạch”. Nói về sự thay đổi ấy trong một lần trả lời phỏng vấn, Kim Lân chia sẻ “Cuộc sống thay đổi thực dù không nhiều với gia đình ấy”. Nhưng “một nếp sống khác bắt đầu xuất hiện”. Đó có phải chính là bàn tay săn sóc của mẹ và vợ y nên nhà cửa trở nên gọn gàng, ngăn nắp, không còn cần Tràng phải ngượng ngùng chữa cháy “Không có người đàn bà, nhà cửa thế đấy!”. Cảnh vật thật ra vẫn vậy chỉ là ngày thường Tràng chẳng bao giờ để ý. Sáng hôm nay nhờ sự chuyển biến lớn lao trong nhận thức, anh cu Tràng không còn đó những vô tâm, hời hợt nữa. Đôi mắt anh giờ đang quan sát tỉ mẩn về thế giới xung quanh. Đó là sự thay đổi vượt bậc về cái nhìn của người đàn ông ấy.

Nếu xem “văn chương là lịch sử tâm trạng con người” thì cây bút Kim Lân đích thực sâu sắc trong muôn vàn “ý nghĩ” ấy. Nhà văn nhanh chóng để ống kính mình bắt kịp từng đổi thay của nhân vật trong cây đàn muôn điệu. Không chỉ để nhân vật của mình có những đổi mới về cách nhìn mà Kim Lân còn đem chất xúc tác “mới mẻ” về nhận thức trong chính nhân vật, làm lóe lên những dòng cảm xúc hạnh phúc trong anh. “Nếp sống” mới xuất hiện khiến Tràng cảm nhận được không khí đầm ấm, vui vẻ của gia đình mà “thấm thía cảm động”. Người đem tới làn gió ấy chính là thị. Cô vợ đảm đang “quét lại cái sân, tiếng chổi từng nhát kêu sàn sạt trên mặt đất”. “Cái âm thanh ấy, ngày thường Tràng cũng nghe nhưng chưa bao giờ gợi cảm như thế. Người vợ mới muốn quét mạnh tay để tạo ra những âm thanh rộn rã khẳng định sự có mặt của mình trong ngôi nhà.” Và người mẹ của hắn đang “lúi húi giẫy những búi cỏ mọc nham nhở”. Tất cả dường như muốn sửa sang cho sáng sủa căn nhà để mong chờ một tương lai tươi sáng hơn. Một khung cảnh bình dị nhưng khiến Tràng “thấm thía cảm động”. Phải chăng phải sống quá lâu trong sự trống vắng, trong toan tính về miếng ăn, trong cơ cực, tủi nhục khiến Tràng chưa bao giờ nghĩ về những hạnh phúc giản đơn như vậy. Nay có được hắn càng thấy nâng niu, trân trong trước dòng ánh sáng ấm áp trong cuộc đời.

Hạnh phúc tưởng chừng nhỏ bé kia nhưng lại mang đôi cánh cất cao cái hồn con người. Trên muôn nẻo tâm trạng, nhà cầm bút dõi theo từng bước chân nhân vật để rồi ông nhận thấy: anh cu Tràng từ ngõ hẻm trong thờ ơ, coi ngôi nhà như một chỗ ngủ tạm, trú chân nay bỗng bước lên con đường mênh mông của niềm “thương yêu gắn bó” với tổ ấm nhỏ của mình. Miêu tả ấn tượng trong Tràng về trạng thái tâm hồn ấy Kim Lân dùng hai chữ “lạ lùng”. Hạnh phúc vốn là niềm mong ước, là trạng thái thường trực trong con người đặc biệt là hạnh phúc gia đình thân thuộc. Nhưng Tràng thấy “lạ lùng” bởi đó là thứ cảm giác chưa từng có. Thật tội nghiệp nhưng cũng thật đáng quý. Tội nghiệp cho kiếp người bị dìm trong bể đói, đáng quý trước biến đổi lớn lao trong con người Tràng. Giờ đây, y nhận thức được mình “đã có một gia đình” và “hắn sẽ cùng vợ sinh con đẻ cái ở đấy”. Không phải chỉ “có vợ”, mà lần này, hắn có hẳn một “gia đình”. Chính người đàn bà theo không kia lại là sợi dây kết nối các thành viên trong gia đình và thị là một hạt nhân không thể thiếu để làm vẹn tròn hai tiếng thiêng liêng, gần gũi ấy. Nói về vai trò của người vợ trong gia đình Andre Maurois khẳng định: “Không có gia đình, người đàn ông trở nên cô độc với toàn thế giới, run rẩy trong giá lạnh”. “Tôi sẵn sàng đánh đổi toàn bộ sự nghiệp nếu biết ở đâu đó trong ngôi nhà kia, có một người vợ luộn chờ tôi về ăn bữa tối”. Thế mới thấy tâm hồn Tràng đã nở hoa như thế nào từ khi gặp thị. Hắn biết chỉ nay mai thôi thị sẽ cùng hắn thổi vào thế giới kia đầy ắp những tiếng cười. Con cái của họ sẽ ra đời, không chỉ là người ruột rà nối dõi của gia đình mà sẽ là niềm vui tuổi già của bà mẹ già và là động lực sống lớn lao cho vợ chồng Tràng. Họ sẽ dựng xây “tổ ấm che mưa che nắng” trong ngôi nhà ấy. Ngôi nhà giờ không phải là nơi chỉ có hai mẹ con hắn với cuộc sống mưu sinh sáng đến tối không hề gặp mặt. Mà bây nó là nơi quây quần, nơi nương tựa và là nơi để trở về sau bao bão táp, phong ba của cuộc đời. Ngôi nhà hắn đã sống bao ngày, hôm nay khi nhìn nó qua lăng kính tình yêu Tràng thấy thật thiêng liêng. Phải chăng như Chế Lan Viên từng viết “Tình yêu làm đất lạ hóa quê hương”. Tại mảnh đất mẹ con anh chọn để tha hương, Tràng cùng mẹ và người đàn bà sẽ có một khởi đầu mới. Niềm ao ước về cuộc sống tốt đẹp hơn khiến cho y có “một nguồn vui sướng, phấn chấn đột ngột tràn ngập trong lòng”.

George Sand từng tâm sự: “Thiên hướng của người nghệ sĩ là đưa ánh sáng vào trái tim con người”. Nhận thức được “văn chương là một thứ đạo làm người” Kim Lân đã chiếu nguồn “ánh sáng” rọi vào những kiếp nghiệt ngã trong tác phẩm của mình. Dù đặt “nhân vật kề nanh vuốt của cái chết”, nhà văn vẫn tỉnh táo để kéo con người khỏi sa vào vũng lầy nhơ nhuốc. Ông vẫn miệt mài vun xới vườn ươm tâm hồn nhân vật. Anh cu Tràng ngờ nghệch trong buổi sáng hôm sau bỗng vươn vai trở thành người đàn ông có trách nhiệm với gia đình. Anh ý thức được những bổn phận và nghĩa vụ của người trụ cột gia đình. Là một người con, một người chồng và sau này sẽ còn là một người cha, Tràng biết “hắn có bổn phận phải lo lắng cho vợ con sau này”. “Hắn thấy hắn nên người”. Hai chữ “nên người” đánh dấu cả sự trưởng thành trong suy nghĩ của Tràng. Nếu trước đây Tràng chỉ là một anh con trai to về thể xác, bé về tâm hồn thì sau sự kiến lấy vợ Tràng không chỉ có vẻ chững chạc của người đàn ông mà còn có cái chín chắn trong suy nghĩ. Anh nhận thức được trọng trách mình phải gánh vác, ý thức được mình sẽ cần phải làm gì. Và chắc chắn Tràng hơn ai hết sẽ trăn trở xem làm sao để mang tới sự ổn định, no ấm cho gia đình mình. Ý nghĩ ấy ngay lập tức đã được cụ thể hóa thành hành động cụ thể “hắn xăm xăm chạy ra giữa sân, hắn cũng muốn làm một việc gì để dự phần tu sửa căn nhà”. Đàn ông nói là làm. Ấy mấy là bậc nam nhân. Chỉ hai chữ “xăm xăm” thôi nhưng thợ chữ tạc vào bao trách nhiệm, bao yêu thương y dành cho gia đình. Sự sốt sắng, sự cố gắng và phấn đấu ấy rồi mai này sẽ được đền đáp xứng đáng. Vậy là Tràng đã trưởng thành, trở thành người đàn ông chèo chống gia đình, có ý thức, trách nhiệm, luôn muốn làm tròn bổn phận của mình.

Trong cuốn “Từ điển văn học” tác giả Trần Hữu Tá có khái quát về truyện ngắn sau Cách mạng của Kim Lân: ông “vẫn tiếp tục viết về làng quê Việt Nam… về những cảnh tội nghiệp, cuộc sống khốn khó đến cùng cực của người nông dân dưới chế độ cũ và sự đổi đời của họ nhờ Cách mạng”. Tại đoạn kết truyện, văn nhân ghi nhận cảm xúc “tiếc rẻ vẩn vơ” của Tràng khi nghe vợ kể chuyện người ta đi phá kho thóc Nhật cùng sự vận động tích cực của niềm tin về một ngày mai tươi sáng trong anh. Khi tiếng trống thúc thuế ngoài đình vang lên dồn dập, Tràng “thần mặt ra nghĩ ngợi”, đây là điều hiếm có đối với anh xưa nay. Trong ý nghĩ của Tràng vụt hiện ra cảnh “những người nghèo đói ầm ầm kéo nhau đi trên đê Sộp” để cướp kho thóc Nhật và “đằng trước là lá cờ đỏ to lắm”. Tràng nhớ tới cảnh ấy mà “lòng ân hận, tiếc rẻ vẩn vơ”. Tâm trạng anh bống chốc trở nên xao động. “Cái ao đời phẳng lặng” nơi anh như vừa được ném vào viên sỏi khiến nó sóng sánh cực mạnh, soi xuống thấu đáy, lộ ra khát khao mãnh liệt đang trào dâng trong Tràng. “Đám người đói và lá cờ đỏ” cứ đeo bám dai dẳng trong óc anh. Rồi đây anh sẽ làm gì với gia đình nhỏ bé mà anh vừa khởi sự? Ba con người ấy sẽ tồn tại như thế nào? Họ sẽ cùng nhau vượt qua dịch đói ra sao?… Tác giả không đưa ra bất kì một giải pháp nào mà để nhân vật tự lo liệu lấy. Đồng thời ông cũng mở ra những liên tưởng kì thú để người đọc tự lấp đầy trang trắng. Nhìn về chiều biến thiên tích cực phải chăng Tràng đã thức tỉnh, và ngộ ra chân giá trị của sự sống: giữa khoảng cách cận kề của cái đói và cái chết, giữa mơ hồ, mong manh của hạnh phúc, người ta chỉ có thể nắm giữ được tình người và mạng sống khi tìm ra chân lí của cuộc đời. Và ánh sáng ấy chỉ có ở con đường Cách mạng, lối thoát ấy chỉ hiện ra ở cánh cửa của Đảng. Và một ngày nào đó chính Tràng sẽ hòa mình vào đám người đang đói, được giác ngộ đi theo Việt Minh để tìm về tương lai tươi sáng hơn.

“Yếu tố đầu tiên của văn học là ngôn ngữ, công cụ chủ yếu của nó và cùng với các sự kiện, các hiện tượng của cuộc sống là chất liệu của văn học”. Nhờ có “lớp vỏ” hình thức mà văn chương của Kim Lân nói chung và bức tranh tâm trạng anh cu Tràng nói riêng cứ tự nhiên như thế len lỏi vào tâm hồn con người. Trước tiên phải kể đến biệt tài xây dựng tình huống truyện độc đáo của Kim Lân. Văn nhân đặt nhân vật của mình vào tình huống nhặt vợ éo le trong đói nghèo để làm “đòn bẩy” nâng khát khao hạnh phúc, sự chuyển biến trong ý thức, hành động của anh cu Tràng nhằm hướng về ngày mai tươi sáng. Đồng thời nhờ duyên nợ với thôn quê và những con người lam lũ đói nghèo đã giúp Kim Lân khắc họa thành công tâm trạng anh cu Tràng trong buổi sáng hôm sau với ngôn ngữ văn chương “ròng ròng sự sống”, mang đậm hơi thở làng quê nhưng lại chính xác trong từng vị trí. Người đọc như cùng hồi sinh với nhân vật Tràng trong buổi sáng hôm sau qua giọng đệm “trầm sáng như giọng cổ tích” với nét giọng chủ đạo là yêu thương, ngợi ca để cất cao niềm khát vọng trong người nông dân nghèo khổ. Đặc biệt “thần bút” tuân thủ chặt chẽ nguyên tắc xây dựng nhân vật của mình “chính mình là người khác, mình hóa thân vào người khác” để lách sâu vào dòng suy nghĩ lâng lâng vì hạnh phúc cùng những biến đổi trong hành động của nhân vật. Nhờ đó những nốt ngân trong tâm trạng Tràng cứ rung lên từng âm rõ rệt xoáy sâu vào lòng người vùng trời sự sống.

Trên chặng đường theo chân Tràng, tại điểm dừng trong buổi sáng hôm sau, người đọc xúc động vì những cảm xúc rất người ở y. Từ trang tâm trạng của Tràng trong buổi sáng đầu tiên có vợ, người quan sát thấy rõ sự thay đổi ngoạn mục ở nhân vật này. Nơi “ngưỡng cửa của khốn khó”, Tràng đã “chứng tỏ được số phận và tích cách của mình” – một con người dũng cảm trong khó khăn. Anh từ một “đứa trẻ” vô tâm trở thành một người đàn ông trưởng thành trong suy nghĩ. Từ một con người “hơi dở” chỉ biết cười ngặt nghẽo trước bọn trẻ trong xóm nhỏ nay biết mở rộng trái tim để cảm thông và thương xót cho người khác. Vốn là người con ngờ nghệch khi nô đùa với lũ trẻ, chẳng mặc đến cửa nhà nay Tràng đã biết quan tâm và có trách nhiệm với gia đình. Không chỉ vậy anh còn mang bước chuyển đổi lớn lao của thời đại mới – thời đại cách mạng. Tràng mở đầu truyện ngắn “Vợ nhặt” bằng dáng đi “ngật ngưỡng” trên con đường về xóm chợ xác xơ của những kiếp ngụ cư tội nghiệp trong buổi chiều chạng vạng và cũng kết thúc thiên truyện ấy vào buổi sớm mai với hình ảnh mới lạ về đoàn người đói vùng lên dưới lá cờ đỏ tung bay phấp phới. Kim Lân đã biến Tràng từ một người đi bên lề của cuộc đấu tranh đến những bước chân chập chững nghĩ suy về con đường cách mạng và những hình dung đẹp đẽ về một cuộc sống mới ổn định, no ấm. Đồng thời ngòi bút Kim Lân cũng “đi tới tận cùng những nỗi niềm tâm trạng” để cắt nghĩa sự thay đổi đáng ngợi ca này của nhân vật. Nhìn lại hành trình “nhặt vợ” của Tràng và đặc biệt là những suy nghĩ của anh trong buổi sáng hôm sau người ta thầm tán thưởng liều thuốc kì diệu của tình yêu. Chính tổ ấm hạnh phúc đã tác động tới trái tim vốn chai sạn ở Tràng, đem tới niềm tin mới cho người đàn ông đang đứng trên bờ vực của cái chết. Từ sự “lớn dậy” ấy của anh, ngòi bút nhân đạo Kim Lân muốn dành những lời có cánh cho người lao động nghèo: “Trong sự túng đói quay quắt, trong bất cứ hoàn cảnh khốn khổ nào, người nông dân ngụ cư vẫn khao khát vươn lên trên cái chết, cái thảm đạm, để mà vui, mà hi vọng… Khi đói người ta không nghĩ đến con đường chết mà chỉ nghĩ đến con đường sống. Dù ở trong tình huống bi thảm đến đâu, dù kề bên cái chết vẫn khao khát hạnh phúc vẫn hướng về ánh sáng, vẫn tin vào sự sống và vẫn hy vọng ở tương lai, vẫn muốn sống, sống cho ra người”.

Dòng diễn biến tâm trạng của Tràng trong buổi sáng hôm sau là cả quá trình Kim Lân cất công vực dậy cái đẹp từ chốn cùng tăm tối. Trong bức tranh tâm trạng ấy độc giả không chỉ nhìn thấy cái tài năng thần tình của người cầm bút mà còn thấy trân quý biết bao tấm lòng mang nặng với đất với người nơi nông thôn nghèo khó. Cuộc sống có nhiều nỗi niềm nặng nề của cảnh con riêng, phận ngụ cư giúp trái tim nhân đạo Kim Lân thấu hiểu và đồng cảm hơn ai hết tình cảnh khốn khổ, đói nghèo của đồng bào ta, khiến văn nhân quặn thắt khi họ chẳng dám tin hạnh phúc đang hiện hữu quanh mình. Và cũng chính vì thế ông đã dốc sức để cắt nghĩa những nỗi niềm trong họ để rồi vui mừng reo lên khi nhìn thấy trong hành trình cảm xúc của anh cu Tràng vào buổi sáng hôm sau một vùng sáng đẹp – đại diện cho hình tượng người nông dân chất phác, thật thà dù có kề bên cái chết vẫn khao khát hạnh phúc, vẫn thèm khát sự sống, vẫn hướng về tương lai. Nhà văn thể hiện niềm tin yêu vào những phẩm chất tốt đẹp của con người. Đồng thời qua những suy nghĩ của Tràng ở cuối truyện, văn nhân muốn hướng con người tới ánh sáng đổi đời, tới con đường Cách mạng tuy khí thế của nó vẫn còn hơi yếu ớt. Nhưng đó cũng là điều đáng trân trọng ở Kim Lân khi ông không để nhân vật của mình chết trên ngưỡng cửa của sự trở về như trong cái nhìn bế tắc của Nam Cao. Và qua những thay đổi rất người ở Tràng, tôi cũng muốn mượn mấy câu văn của Nguyễn Khải để nói tới bức thông điệp mà Kim Lân gửi gắm: “Sự sống nảy sinh từ cái chết, hạnh phúc hiện hình từ trong những hy sinh, gian khổ, ở đời này không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có sức mạnh để bước qua những ranh giới ấy”.

Kim Lân bảo: “Tôi đến với văn học, ban đầu là từ sự say mê, ham thích. Những truyện ngắn đầu tay của tôi như “Đứa con người vợ lẽ”, “Người kép già”, “Cô Vịa” là những truyện ngắn viết về đề tài xã hội. Đó là những câu chuyện về bản thân tôi, tâm tư và số phận của tôi cũng như những người gần gũi trong làng xóm của tôi”. Sự say mê với thế giới đậm mùi khói bếp và rơm rạ quanh mình khiến cho những áng văn Kim Lân sao chân thực, gần gũi mà xúc động đến lạ kì. Từng trang sách đong đầy bóng dáng đồng bằng Bắc Bộ nơi ông không chỉ có cái nhìn thấu đáo về hiện thực mà còn mang tấm lòng của một nhà văn suốt đời đi tìm cái cao thượng trong mỗi một con người. Những nghiêm túc và cẩn trọng của Kim Lân trong nghề khiến lớp bụi thời gian chẳng thể tìm được khe hở nào để lọt qua, để xóa nhòa. Ngược lại những kiệt tác của văn nhân cứ ngày một trong, một sáng và đẹp hơn dưới tia nắng cuộc đời.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *