MỊ TRONG ĐÊM ĐÔNG CỞI TRÓI CHO A PHỦ – Tinh thần nhân đạo của Tô Hoài

MỊ TRONG ĐÊM ĐÔNG CỞI TRÓI CHO A PHỦ – Tinh thần nhân đạo của Tô Hoài

Tố Hữu, nhà thơ lớn của dân tộc Việt Nam, từng nói: “Cuộc đời là nơi xuất phát và cũng là nơi đi tới của văn học”. Cũng chính vì thế, ta hiểu rằng văn học và đời sống luôn song hành với nhau – văn chương chính là tấm gương phản chiếu rõ nét nhất những hiện thực của đời sống thường ngày. Với ý niệm này, nhà văn Tô Hoài đã chấp bút viết nên “Vợ chồng A Phủ” để tái hiện lại bức chân dung chân thực về các dân tộc ở Tây Bắc xuyên suốt những năm tháng cách mạng. Được tác giả miêu tả sâu sắc nhất, nhân vật Mị – bông hoa ban núi rừng hiện lên như một biểu tượng cho người phụ nữ Tây Bắc lúc bấy giờ: hoàn cảnh ngặt nghèo, đau khổ nhưng vẫn luôn giữ được sức sống tiềm tàng. Điều đó đặc biệt được Tô Hoài diễn tả qua đoạn trích đêm đông Mị cởi trói cho A Phủ và bỏ trốn cùng anh: “Lúc ấy trong nhà đã tối bưng… thì thào một tiếng “Đi ngay!”…. Qua đoạn trích, tư tưởng nhân đạo đầy tiến bộ của “cuốn từ điển sống nghề văn” này đã được thể hiện sâu sắc, sáng rõ.

Nhắc đến nhà văn Tô Hoài là nhắc đến một trong những cây đại thụ của nền văn học cận đại Việt Nam. Xuyên suốt sự nghiệp sáng tác trải dài hơn 60 năm, Tô Hoài đã cho ra gần 200 đầu sách khác nhau và gặt hái vô số thành công ở nhiều thể loại. Thế nhưng tiêu biểu hơn cả là những trang văn chân thực, sâu sắc của ông về cuộc sống và con người vùng Tây Bắc qua tập “Truyện Tây Bắc”. Qua tập truyện, nhà văn đã khắc họa bức chân dung sinh động, xúc động về những nỗi đau thương, khổ cực mà nhân dân miền núi phải gánh chịu dưới ách áp bức nặng nề của chế độ thực dân phong kiến, đồng thời tác phẩm cũng là lời ngợi ca, trân trọng ông dành cho tinh thần kiên cường, bất khuất của họ khi đã vùng lên đấu tranh, tham gia cả nước cùng kháng chiến. Tinh thần, ý niệm này của Tô Hoài được bộc lộ rõ nhất, sáng ngời nhất qua tác phẩm “Vợ chồng A Phủ”.

“Vợ chồng A Phủ” được chắp bút năm 1952, đây là kết quả của chuyến đi thực tế của Tô Hoài đến các bản làng mới giải phóng và dành tám tháng cùng ăn, cùng ở, cùng gắn bó với đồng bào các dân tộc miền núi nơi đây. Với quan niệm “Viết văn là một quá trình đấu tranh để nói ra sự thật”. Ông đã chưng cất những “sự thật” xù xì, thô nhám nơi đây để tạo nên một các hình tượng đẹp đẽ, là đại diện cho tinh thần, quan niệm nhân sinh của mình, điển hình là nhân vật Mị, trung tâm của câu chuyện. Ẩn sau hình ảnh người con gái tài năng, xinh đẹp là sức sống tiềm tàng, mạnh mẽ và tinh thần bất chấp những gông xiềng của hủ tục lạc hậu và ách áp bức, bóc lột của cường quyền – thần quyền.

Không phải ngẫu nhiên mà câu chuyện của Mị được bắt đầu bằng một nốt trầm: “dù quay sợi, thái cỏ ngựa, dệt vải, chẻ củi hay đi cõng nước dưới khe suối lên, cô ấy cũng cúi mặt, mặt buồn rười rượi.” Mới không lâu, Mị còn là một bông hoa ban thuần khiết, tươi mới, mới nở rộ của ngôi làng mà giờ đây Mị hiện lên với cuộc sống lầm lũi, buồn khổ, tủi nhục trong thân phận vợ của A Sử, con dâu gạt nợ nhà thống lý Pá Tra. Cuộc sống tươi đẹp, tự do trước kia giờ chỉ còn là những giọt nước mắt lăn dài, những mảnh hồi ức rời rạc, xa xăm, ngoài tầm với của Mị. Cô không chỉ đánh mất cuộc đời cũ của mình mà còn bị cha con nhà Pá Tra đày đọa cả thể xác và tinh thần: phải làm việc cả ngày lẫn đêm; bị giam hãm trong căn buồng kín mít; bị chồng đánh, bị phạt, bị trói,… Đến nỗi mà Mị dần trở nên chai sạn với nỗi đau: “Mỗi ngày Mị càng không nói, lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa”. Tâm hồn Mị, vốn thuộc về một cô gái trẻ trung, vui tươi, yêu đời, đã dần tan nát, vụn vỡ dưới bàn tay hung bạo, áp chế của cha con nhà thống lý.

Những tưởng cuộc đời của Mị đã chấm hết, tinh thần của Mị rồi cũng sẽ héo mòn dưới gông xiềng của hủ tục lạc hậu và nạn áp bức bóc lột tàn bạo nhưng không, ẩn sâu dưới vẻ lầm lũi, câm lặng đó vẫn le lói một ánh lửa của sức sống, của khát khao hạnh phúc, của mong muốn được tự do, luôn âm ỉ cháy chỉ chờ ngày bùng lên mãnh liệt. Trái với các nhà văn cùng thời, dù viết về những tội ác của bọn thống trị và nỗi thống khổ của dân nghèo, Tô Hoài bằng ngòi bút của mình đã không để cho các nhân vật của mình chìm trong đau khổ, trong tuyệt vọng, bị cái ác, cái tàn độc dồn đến chân đường cùng, đến cái chết. Thay vào đó, với tình thương yêu và sự trân trọng sâu sắc ông dành cho người dân Tây Bắc, Tô Hoài đã khéo léo tận dụng tối đa nghệ thuật xây dựng, khai thác nội tâm nhân vật để nêu bật hành trình hồi sinh, lấy lại khát vọng sống của Mị. Đến đây độc giả chợt hiểu rằng: “Thiên chức của nhà văn cũng như những chức vụ cao quý khác là phải nâng đỡ những cái tốt để trong đời có nhiều công bằng, thương yêu hơn.” (Thạch Lam).

Sự chuyển biến trong tâm hồn Mị được đánh dấu bằng đêm hội mùa xuân. Sau những tháng ngày bị giày vò, bị bóc lột đến mức chai sạn, trơ lì, thế nhưng trái tim Mị vẫn không khỏi rung động trước vang âm của tiếng sáo, tiếng gọi bạn đánh pao từ trai gái Hồng Ngài. Cái xác không hồn” ngày ngày “lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa” như bừng tỉnh khỏi cơn ác mộng, Mị bỗng thấy “thiết tha bồi hồi”, trái tim khô quạnh của cô được hồi sinh. Tiếng sáo trong trẻo đưa Mị tới bình rượu, tới hơi ấm của bếp sưởi, tới niềm tin vào một cuộc sống tươi đẹp hơn. Thế nhưng chẳng mấy chốc, hy vọng đó đã bị dập tắt bởi sợi dây trói của A Sử. Cuộc trỗi dậy lần thứ nhất của Mị không thành, nhưng đốm lửa vẫn còn đó, chực chờ cơ hội bùng cháy và thiêu rụi màn đêm của gia đình thống lý. “Một tia lửa hôm nay báo hiệu một đám chảy ngày mai” (Lỗ Tấn), ở đây Tô Hoài không chỉ báo hiệu trước cho độc giả về số phận của Mị, mà từ đó còn cho ta thêm hy vọng về sự hồi sinh, giải phóng hoàn toàn của Mị, đỉnh điểm là vào đêm đông Mị cởi trói cho A Phủ.

Có lẽ tâm hồn Mị sẽ mãi là tảng băng lạnh lùng, vô cảm, Mị vẫn sẽ tiếp tục trơ lì trước cảnh tượng A Phủ bị trói nếu như không bắt gặp “dòng nước mắt lấp lánh bò xuống hai hõm má đã xám đen lại”. Giọt nước mắt lăn dài xuống khuôn mặt hốc hác, phờ phạc của A Phủ gợi lại cho Mị về chính mình vào đêm tình mùa xuân, về nỗi thống khổ, tuyệt vọng cùng khát khao vùng dậy, phản kháng mãnh liệt mà cả hai cùng sẻ chia. Bất chấp cái giá rét của cường quyền – thần quyền, dòng nước mắt đã kết nối hai tâm hồn đồng điệu, cho họ một chút hơi ấm giữa đêm đông lạnh lẽo, khắc nghiệt này. Trái tim Mị tan chảy khi tiếc thương thân phận chính mình, để rồi cháy rực lên khi Mị nghĩ về A Phủ, nghĩ về hoàn cảnh tương đồng giữa hai người. Nếu bát cháo hành đơn sơ của Thị Nở đã thức tỉnh Chí Phèo khởi cơn mê thuốc, khỏi sự tàn ác, đưa hắn quay trở lại với cuộc đời thiện lương thì giọt nước mắt của A Phủ đã đánh thức khát vọng tự do vốn bị vùi dập bấy lâu trong Mị, tiếp thêm cho cô sức mạnh để vùng lên phản kháng. Lớp xiềng xích tàn bạo của cha con nhà thống lý cũng phải khuất phục trước niềm căm phẫn sục sôi và sức sống mãnh liệt của Mị.

Ngọn lửa bếp đã tàn, thế nhưng một ngọn lửa mới đang trỗi dậy, xua tan bóng đêm của ngôi nhà thống lý và đánh dấu sự thay đổi trong tâm hồn Mị. Thay vì nhóm lửa lại theo thói quen, lòng trắc ẩn và sự đồng cảm đã thúc đẩy Mị vượt qua nỗi sợ ban đầu để tiến đến hành động bột phát, mạnh bạo – Mị “rón rén bước lại”, “cắt nút dây mây”, cởi trói cho A Phủ. Sau hàng năm trời phải sống im lặng, lủi thủi và cô độc như “con rùa nuôi trong xó cửa”, trái tim của cô cuối cùng đã lên tiếng, không chỉ vì bản thân mà còn vì A Phủ, vì những người dân Tây Bắc đang phải chịu sự bóc lột tàn bạo từ bọn thực dân phong kiến lúc bấy giờ. Nỗi sợ xen lẫn sự quyết liệt mới mẻ này đã tạo thành hai tiếng thì thào “đi ngay” của Mị dành cho A Phủ.

Thật ý nghĩa khi Tô Hoài dành lời nói đầu tiên của Mị trong tác phẩm này, là lời nói thúc giục, giải thoát cho A Phủ. Chỉ hai chữ thôi nhưng câu nói ấy chứa đầy sự quyết liệt & sức sống mạnh mẽ sau những tháng ngày sống lầm lũi, câm lặng trong đày đọa của nhà thống lý Pá Tra. Hai chữ “đi ngay” không chỉ là tiếng thúc giục A Phủ mà còn là lời nói Mị dành cho chính mình để sau đó cô bỏ trốn cùng anh. Tô Hoài đã rất tinh tế khi miêu tả dòng chảy tâm lý của Mị. Bằng một loạt câu văn ngắn cùng nhịp điệu gấp rút, dồn dập, nhà văn đã xuất sắc khắc họa chân dung người con gái Tây Bắc trong đêm đông giá rét với những vẻ đẹp phi thường. Cái đêm “định mệnh” ấy chính là nguồn động lực vô song giúp Mị chiến thắng tất cả mọi nỗi lo sợ, mọi cường quyền và thần quyền để giải phóng cho chính mình và A Phủ, thay đổi cuộc sống của họ cho những ngày tươi đẹp hơn.

Nhà văn Sê-khốp từng có lời nhận xét rằng: “Một nghệ sĩ chân chính phải là một nhà nhân đạo từ trong cốt tủy”. Khi sáng tạo, người nghệ sĩ không chỉ cần cẩn trọng với nét cọ hay những lớp màu mà họ còn phải thành tâm khắc họa, truyền tải những thông điệp thông điệp nhân đạo ý nghĩa nhất tới mọi người. Ở nhân vật Mị, bên cạnh những ngợi ca, những cảm thông, thương xót cho người con gái Tây Bắc ấy, tác giả còn lên tiếng tố cáo chế động phong kiến miền núi đã đày đọa cả về thể xác lẫn tinh thần của con người, dùng cường quyền và thần quyền để đẩy họ xuống những bùn đen của cuộc đời. Đặc biệt, trong quá trình tạo dựng nhân vật trung tâm, thay vì lựa chọn một hình tượng gần gũi, quen thuộc mà độc giả chúng ta thường thấy ở thôn quê, đồng bằng thì trái lại, ông đã miêu tả chân dung một cô gái vùng núi Tây Bắc. Tinh thần nhân đạo của Tô Hoài đã tỏa sáng ở sự đổi mới trong việc tìm kiếm đối tượng văn học, và cả ở cách ông miêu tả diễn biến tâm trạng, hành động của Mị. Không dừng lại ở hành động phản kháng, tự phát của cô (cởi trói cho A Phủ) mà Tô Hoài còn mở ra một hướng đi mới cho cả hai – con đường giác ngộ lý tưởng Đảng, đi theo tiếng gọi của Tổ quốc để góp công giải phóng các dân tộc vùng Tây Bắc, tiến đến một tương lai tốt đẹp hơn. Chính tư tưởng, tinh thần nhân đạo tiến bộ của Tô Hoài đã góp phần không nhỏ vào thành công của tác phẩm và khẳng định tên tuổi của ông trong làng văn chương Việt Nam.

Qua hai đoạn trích từ “Vợ chồng A Phủ”, Tô Hoài đã khẳng định được ngòi bút tài hoa cùng vị thế của mình trong thể loại truyện ngắn. Từ lối kể chuyện tự nhiên, sinh động, đến vốn hiểu biết phong phú về phong tục tập quán đặc sắc, riêng biệt của Tây Bắc, và đặc biệt là nghệ thuật xây dựng, miêu tả nội tâm nhân vật, tất cả đã tạo nên một cõi văn rất riêng mang tên Tô Hoài – vừa tinh tế, khéo léo, vừa đậm đà chất trữ tình, thơ mộng. Với sự xuất hiện của “Vợ chồng A Phủ”, Tô Hoài không chỉ đứng từ phía ngoài quan sát mà còn hòa làm một với thế giới nội tâm của các nhân vật làng Hồng Ngài, để đồng cảm, để thấu hiểu, để yêu thương. Dòng chảy dạt dào của tình cảm, của sự trân trọng trìu mến và da diết ông dành cho người dân miền Tây Bắc đã kết tinh qua nhân vật Mị – người con gái phải chịu ách áp bức bóc lột nặng nề nhưng luôn mang trong mình một sức sống mạnh mẽ, mãnh liệt.

Niềm ham sống cùng khát khao được tự do không chỉ hiện diện trong tâm hồn Mị mà còn có thể được tìm thấy ở nhiều sáng tác khác, trong đó phải kể đến nhân vật thị từ truyện ngắn “Vợ nhặt” của Kim Lân. Hai nhà văn với những nét bút riêng biệt, thế nhưng cả Tô Hoài và Kim Lân đều đã xuất sắc khắc họa bức chân dung người phụ nữ Việt Nam trong những năm tháng kháng chiến. Mị đại diện cho dân tộc Tây Bắc dưới những xiềng xích của cường quyền – thần quyền, còn thị là hình mẫu tiêu biểu cho nhân dân nước nhà dưới nạn đói năm 1945. Họ đều là những người con gái bị bóc lột, bị áp bức, bị ách thống trị, đô hộ của bọn địa chủ – thực dân phong kiến dày vò đến độ chai sạn, tê liệt tinh thần, nội tâm ngày càng trống rỗng, cõi lòng cả hai cứ thế mà chết dần, chết mòn. Thế nhưng bất chấp những nghịch cảnh cuộc đời giáng xuống, cả Mị và thị đều nuôi dưỡng trong mình ngọn lửa của sự sống, ngọn lửa của niềm tin, của hy vọng vào một tương lai tươi sáng, tốt đẹp hơn, vào một buổi bình minh của độc lập, tự do trên khắp mọi miền đất nước.

Để nói về Mị, Tô Hoài từng có lời nhận xét: “Số phận của cô là sự hồi sinh mãnh liệt của con người cô. Sự hồi sinh của một con người là vô cùng quý giá.” Quả đúng như vậy, bằng ngòi bút tài năng và tình cảm chân thành, sâu đậm ông dành cho các dân tộc vùng núi, tác giả đã khắc họa bức chân dung Mị, từ đó gợi cho độc giả bức tranh toàn cảnh về vẻ đẹp người dân Tây Bắc những năm tháng kháng chiến. Dẫu Mị phải chịu đựng nhiều lớp xiềng xích – sự tàn bạo của A Sử, của gia đình nhà chồng cho đến những hủ tục lạc hậu – thế nhưng tinh thần bất khuất cùng tình yêu đời, yêu cuộc sống đã thắp sáng ngọn lửa của sức sống tiềm tàng bên trong chị, đặc biệt ở đêm đông năm đó. Ngọn lửa của sức sống thầm lặng vào đêm xuân đã tiếp thêm cho Mị sức mạnh, ý chí để vùng lên đấu tranh, giành lại tự do không chỉ cho chính mình hay A Phủ mà còn biết bao người dân Tây Bắc khác đang phải chống chịu với ách xâm lược. Hình tượng Mị nói riêng và nhân dân vùng núi nói chung trong “Vợ chồng A Phủ” đã trở thành điểm sáng trong sự nghiệp sáng tác của Tô Hoài, đồng thời là tấm gương cho các thế hệ sau noi theo và học tập để ngày mai chúng ta dựng xây một đất nước tươi đẹp, hạnh phúc, tiến bộ hơn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *