Thuyết minh bài ca dao MUỐI BA NĂM MUỐI ĐANG CÒN MẶN

Thuyết minh bài ca dao MUỐI BA NĂM MUỐI ĐANG CÒN MẶN

Thuyết minh bài ca dao MUỐI BA NĂM MUỐI ĐANG CÒN MẶN

Bàn về ca dao, nhà thơ Nguyễn Đình Thi đã viết: “Ca dao là tấm gương của tâm hồn dân tộc”. Ca dao là sản phẩm tinh thần của tập thể nhân dân, là tấm gương phản chiếu tâm hồn người lao động một cách sâu sắc. Đặc biệt, tình yêu đôi lứa, tình cảm vợ chồng gắn bó thủy chung có thể xem là đề tài khá phổ biến trong ca dao. Những câu hát hay nhất ngợi ca tình cảm vợ chồng không thể không nói tới là bài ca dao:

“Muối ba năm muối đang còn mặn
Gừng chín tháng gừng hãy còn cay
Đôi ta nghĩa nặng tình dày
Có xa nhau đi nữa cũng ba vạn sáu ngàn ngày mới xa”.

Ca dao là tiếng hát tâm tình của nhân dân, qua những câu ca dao, ta có thể dễ dàng thấu hiểu được thế giới nội tâm sâu sắc của người xưa. Ca dao là một loại hình văn học đẹp đẽ và độc đáo của Việt Nam, do đó, ta cần phát triển và tiếp những giá trị đó để nó không bị phai mờ theo thời gian. Sự đẹp đẽ của dân gian được thể hiện qua rất nhiều khía cạnh khác nhau, qua đó nói lên tâm tình của nhiều người, thuộc nhiều tầng lớp trong xã hội. Trong ca dao, các tác giả dân gian sử dụng rất nhiều hình ảnh đẹp đẽ, có giá trị biểu tượng, với nội dung sáng tạo và sâu sắc.

Lấy những sự vật phổ biến, quen thuộc trong tự nhiên để diễn tả tình cảm nhớ mong, thề nguyền, ước hẹn là thủ pháp nghệ thuật tiêu biểu của ca dao. Bài ca dao trên, những vật được nói đến là những vật rất bình thường, giản dị: muối, gừng. Muối, gừng là những gia vị trong bữa ăn hằng ngày của mỗi người, mỗi gia đình. Muối chính là sự kết tinh của nước biển ngưng đọng lại, màu trắng, hạt nhỏ, có vị mặn. Muối rất mặt thường dùng trong bữa ăn của mọi nhà, mọi người. Cái dư vị mặn mòi của muối đã được tác giả dân gian nhấn mạnh trong cụm từ “muối ba năm”. Trải qua biết bao năm tháng, hạt muối càng thêm mặn mà, cũng giống như thời gian trôi qua càng làm đậm đà hơn tình chồng nghĩa vợ. Còn gừng được biết đến là loại cây thường được trồng ở trong vườn, ngoài đồng. Vị cay nồng và hương thơm ấm nóng của gừng làm nóng ran từ miệng tới gan ruột, khiến ta như tăng thêm vài phần nhiệt huyết, sức lực. Độ cay của gừng trải qua chín tháng được ngầm so sánh với độ thắm thiết của tình cảm vợ chồng. Trải qua gian nan, vất vả, tình nghĩa vợ chồng càng thêm sâu nặng. Tuy không cao sang, đắt đỏ nhưng gừng và muối lại vô cùng cần thiết. Vị mặn của muối, vị cay nóng của gừng không thay đổi theo thời gian, trở thành biểu tượng của những gì không thay đổi:

“Bao giờ muối lạt chanh thanh
Em đây mới dám bỏ anh lấy chồng”.

Vì những đặc tính ấy mà muối, gừng trở thành những thử thách, chất xúc tác để vợ chồng càng đậm đà tình nghĩa. Những cặp từ sóng đôi “gừng cay” – “muối mặn”, “ba năm” – “chín tháng”, “tình nặng” – “nghĩa dày”, với sự đối thanh đối ý hài hòa, có sắc thái thành ngữ dân gian như lời ăn tiếng nói hàng ngày của những người lao động bình dị. Nếu ca dao tình yêu thề nguyền, ước hẹn bằng những hình tượng lãng mạn thì trong bài ca dao này, hình ảnh muối, gừng biểu trưng cho tình nghĩa vợ chồng chung thủy, đã qua thử thách gian nan, cam khổ của cuộc đời. Nói về gừng cay, muối mặn cũng là để tạo tiền đề cho lời thề nguyền, ước hẹn:

“Đôi ta tình nặng nghĩa dày
Có xa nhau cũng ba vạn sáu ngàn ngày mới xa”.

Câu thơ sáu chữ có âm điệu ngọt ngào, sâu lắng cùng với các từ ngữ đan xen hài hoà, thể hiện sự khăng khít của cặp vợ chồng rất đỗi thương nhau. Từ “đôi ta” nói lên sự khăng khít, hoà hợp. “Đôi ta” khác với “hai ta” vì hai ta chưa chắc đã là một. Và để tiếp tục khắc sâu thêm cho ý nghĩa của từ “đôi ta”, tác giả cụ thể hoá bằng hình ảnh “nghĩa nặng tình dày”. “Nghĩa nặng tình dày” tựa như một hòn đá tảng thật nặng trong đời sống vợ chồng, không sức mạnh gì xô đẩy, di chuyển được. Không phải lúc nào tình yêu nam nữ, tình nghĩa vợ chồng cũng thuận buồm xuôi gió. Nhưng vượt lên trên tất cả họ vẫn hạnh phúc, đó mới là điều đáng quý nhất. Câu thơ “Có xa nhau đi nữa cũng ba vạn sáu ngàn ngày mới xa” như đột ngột kéo dài từ tám chữ thành 11 chữ. Nhân vật trữ tình trong bài ca dao đã tự đặt ra giả thiết “Có xa nhau đi nữa” và cũng tự trả lời “ba vạn sáu ngàn ngày mới xa”. Tại sao họ, những đôi vợ chồng không nói một trăm năm mà lại là ba vạn sáu ngàn ngày? Cách nói như dằn từng tiếng một, như đã nhấn mạnh quyết tâm sắt đá, khắc cốt ghi xương lời thề gìn giữ cuộc sống vợ chồng cho vuông tròn đến đầu bạc răng long. Lấy vợ lấy chồng, ai cũng ao ước được trăm năm hạnh phúc bên nhau. Vậy thì cái chuyện xa nhau dẫu có thể xảy ra thì cũng phải sau ba vạn sáu ngàn ngày, khi mà cả hai đều đã sống trọn vẹn kiếp người. Cụm từ “nghĩa nặng tình dày” nói về nghĩa tình sâu nặng một cách thấm thía. Với người bình dân, tình bao giờ cũng đi với nghĩa. Nghĩa là trách nhiệm, là nghĩa vụ. Tình càng dày thì nghĩa càng nặng. Người bình dân xem nghĩa trọng hơn tình. Thậm chí có khi không bao giờ phai nhạt. Gừng chín tháng, muối ba năm, nhưng tình nghĩa của con người là trọn đời, trọn kiếp. Một lời thề nguyện tạo ấn tượng sâu sắc cho người nghe về sự bình dị, chân tình nhưng son sắt. Hai từ “đôi ta” thể hiện sự gắn bó mật thiết với nhau, tuy hai người hai thân thể hoàn toàn khác nhau nhưng cũng như là một mà thôi, tác giả xưa đã sử dụng những từ ngữ giản dị, gần gũi để thể hiện sự gắn bó keo sơn, thân thiết, thủy chung trong tình cảm vợ chồng. Dẫu không sử dụng một từ so sánh nào nhưng ý so sánh trong bài ca dao vẫn khá rõ. Giống như muối mặn, gừng cay, tình nghĩa đôi ta trải qua năm tháng càng thêm nặng, thêm dày, không gì có thể làm cho phai nhạt.

Trong kho tàng văn học dân gian Việt, có không ít những bài ca dao về tình yêu được người xưa nêm nếm đủ loại gia vị mặn nồng. Nếu trong tình yêu, các cảm xúc ngọt ngào, cay đắng, chua chát, nhạt nhẽo, mặn nồng…đều được các nhà văn hay những người yêu nhau sử dụng tối đa để mô tả các cung bậc tình cảm, thì trong ca dao Việt Nam, với câu từ duyên dáng, uyển chuyển, đầy ý vị, ông cha ta đã thực sự là những “đầu bếp đại tài” trong việc phối trộn và nêm nếm gia vị vào tình yêu…. Từ “Tay bưng đĩa muối chấm gừng, Gừng cay muối mặn xin đừng quên nhau., “Có mặt mình, ăn muối cũng vui, Vắng mặt mình một bữa, không vui chút nào.”,… Ta có thể dễ dàng nhận thấy, so với những câu ca dao nêu trên, câu ca dao này có sự độc đáo rất riêng, từ nghệ thuật, cho đến lối hành văn. Lời văn trau chuốt, lối dùng từ mới mẻ với nhiều tầng nghĩa khác nhau, cùng hình thức phá cách đã khẳng định chất riêng của bài ca dao.

Trước “Truyện Kiều”, thơ lục bát bắt nguồn từ trong ca dao Việt Nam, thể hiện thành công cả về nội dung lẫn hình thức nghệt thuật, góp phần tạo nên sự phong phú đa dạng trong văn học dân gian với những câu thơ mang đậm tâm tư, tình cảm của người bình dân vốn chịu thương chịu khó. Đó là những bài hát ru con, những câu hò điệu lý, những lời ngâm vịnh ngân nga mà mọi người vẫn nghe thấy trong sinh hoạt hàng ngày, gắn liền với cuộc sống lao động của người bình dân. Lục bát là thể thơ dân tộc mang đậm bản sắc và phong vị quê hương. Thơ lục bát rất dễ thuộc và dễ nhớ vì lời thơ giản dị, mộc mạc, có sự kết hợp giữa ngôn ngữ thơ và ngôn ngữ đời thường. Với giọng điệu nhẹ nhàng khuyên nhủ, lục bát ca dao đã nói lên bao cung bậc tình cảm yêu thương giữa người với người. Ở bài ca dao này, tác giả dân gian đã phá vỡ quy tắc vốn có của một bài ca dao thông thường với việc sử dụng 11 chữ ở câu thơ cuối thay vì 8 chữ như thông thường không phải là không có lý do. Độ dài của câu ca dao phần nào bộc lộ sự băn khoăn, bức xúc trong tâm trạng của người vọ hoặc người chồng, ò đinh cao của tình cảm Vợ chồng, giữa thời điểm hạnh phúc nhất, đôi khi người vợ hoặc người chống tự nhiên phân vân, lo lắng cho tương lai, cho những ngày tiếp theo liệu có giữ được gừng cay, muối mặn, nghĩa nặng tinh dày mãi không? Bên cạnh đó, việc kéo dài câu thơ còn làm nổi bật thêm tình nghĩa sâu nặng giữa hai vợ chồng thuỷ chung, son sắt, đồng thời gây ấn tượng sâu đậm trong lòng độc giả. Chính điều này đã làm nên sự khác biệt của bài ca dao này trong kho tàng văn học dân gian nước nhà.

Bài ca dao thật độc đáo, thể hiện tình cảm vợ chồng thật bình dị mà sâu sắc. Qua bài ca, ta thấy được vẻ đẹp tâm hồn người lao động: gắn bó, thủy chung trong tình nghĩa vợ chồng, trong tình yêu đôi lứa. Có thể nói bài ca dao xứng đáng là một trong những câu cao dao hay nhất trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam, hấp dẫn người đọc ở mọi thế hệ.


Bài làm của Khánh Linh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *