Nghị luận xã hội: Giá trị của thời

Nghị luận xã hội: Giá trị của thời

Nghị luận xã hội: Giá trị của thời

“Giá trị của thời gian” là một câu chuyện trích Hạt giống tâm hồn – nơi tổng hợp những câu chuyện nuôi dưỡng tâm hồn.

Sở dĩ Trạm văn giới thiệu câu chuyện này vì: “THỜI GIAN” là một vấn đề NLXH thường bắt gặp trong các đề thi. Các bạn có thể sử dụng câu chuyện để làm dẫn chứng NLXH, trau dồi kỹ năng lập luận trong bài viết,…

 

Tóm tắt truyện

Có một người rất keo kiệt, lúc nào cũng chắt bóp chẳng dám ăn tiêu gì. Tích cóp cả đời, anh ta để dành được cả một gia tài lớn.

Không ngờ một ngày, Thần Chết đột nhiên xuất hiện đòi đưa anh ta đi. Lúc này anh ta mới nhận ra mình chưa kịp hưởng thụ chút gì từ số tiền kia. Anh ta bèn nài nỉ:

– Tôi chia một phần ba tài sản của tôi cho Ngài, chỉ cần cho tôi sống thêm một năm thôi.

– Không được. – Thần Chết lắc đầu.

– Vậy tôi đưa Ngài một nửa. Ngài cho tôi nửa năm nữa, được không? – Anh ta tiếp tục van xin.

– Không được. – Thần Chết vẫn không đồng ý.

Anh ta vội nói:

– Vậy… tôi xin giao hết của cải cho Ngài. Ngài cho tôi một ngày thôi, được không?

– Không được. – Thần Chết vừa nói, vừa giơ cao chiếc lưỡi hái trên tay.

Người đàn ông tuyệt vọng cầu xin Thần Chết lần cuối cùng:

– Thế thì Ngài cho tôi một phút để viết chúc thư vậy.

Lần này, Thần Chết gật đầu. Anh run rẩy viết một dòng:

– Xin hãy ghi nhớ: “Bao nhiêu tiền bạc cũng không mua nổi một ngày.

Nguồn: SachHay.24h.com

Bài học rút ra từ câu chuyện

Có ba điều trong cuộc đời mỗi con người nếu qua đi sẽ không lấy lại được: thời gian, lời nói và cơ hội. Thời gian chính là yếu tố đầu tiên và có giá trị quan trọng trong cuộc sống mỗi con người. Bởi lẽ, không một phép nhiệm màu nào có thể níu kéo được thời gian. Xét về vấn đề giá trị thời gian, câu chuyện trên mang lại cho chúng ta một số bài học sau:

Trước hết, sống là phải biết tiết kiệm, tích góp, tận hiến nhưng không phải là sự hà tiện, keo kiệt đối với chính bản thân mình.

Bên cạnh sống tận hiến thì câu chuyện còn đề cập đến sự nhận thức về hữu hạn của thời gian và khát khao tận hưởng. Con người keo kiệt ấy khi gặp Thần Chết liền ý thức được về việc bản thân suốt đời tận hiến, tiết kiệm nhưng chưa phút giây được tận hưởng thành quả lao động của mình. Anh ta có thái độ nài nỉ, xin được sống dù chỉ một ngày. Đó chính là thái độ thức tỉnh về sự ngắn ngủi của cuộc đời.

Cùng với đó, việc Thần Chết đột nhiên xuất hiện đòi đưa anh ta đi còn nhấn mạnh đến tính vô thường của cuộc sống. Cuộc sống luôn luôn vận động phát triển, tương lai luôn là một ẩn số. Vì vậy, con người ta muốn làm tốt tương lai thì hãy hoàn thành công việc hiện tại, sống ý nghĩa, trọn vẹn từng giây phút.

Tựu trung lại, trong lời nhắn gửi của con người keo kiệt mang đến bức thông điệp về sự quý trọng thời gian. Đời người có hạn, vì vậy con người phải biết quý trọng thời gian, sử dụng thời gian hợp lý. Bởi lẽ, không một tiền bạc nào có thể mua được thời gian.

Vận dụng vào bài nghị luận xã hội

Những cách lập luận có thể vận dụng vào bài viết NLXH:

  • Bài học về sự ý thức vô thường của cuộc sống

Người ta quan niệm rằng: “Triệu hạt mưa, không hạt nào rơi nhầm chỗ”. Cuộc sống cứ ngỡ là sự ngẫu nhiên nhưng dường như mỗi người đã có một số phận. Không ai có thể biết được ngày mai nhưng có thể chuẩn bị tốt cho ngày mai. Nhìn lại câu chuyện “giá trị thời gian”, ta mới thấm thía hơn nữa sự vô thường của cuộc sống. Con người keo kiệt vốn dành cả đời để tiết kiệm, tích góp của cải. Ấy vậy, với sự xuất hiện đột ngột của Thần Chết, anh ta phải bỏ lại tất cả.

Từ đó, mỗi con người cần ý thức hơn nữa về thời gian, về sự vô thường của cuộc sống, quý trọng từng phút, từng giây để không phải nuối tiếc, ngậm ngùi.

  • Bài học về sự tận hiến và tận hưởng

Xuân Diệu cũng đã từng thúc giục : “Nhanh lên chứ vội vàng lên với chứ”. Thời gian vốn như thoi đưa. Và cuộc sống sẽ ý nghĩa hơn nếu con người ta biết tận hiến và tận hưởng. Tận hiến ở đây không phải là sự hà tiện giống như nhân vật keo kiệt mà là sự cống hiến ý nghĩa. Tận hiến đi đôi với tận hưởng, trân trọng, sống trọn từng khoảnh khắc, hưởng thụ những giá trị tận hiến của bản thân. Với con người trong truyện, anh ta có sự ý thức về sự tận hưởng. Tuy nhiên, tất cả đã quá muộn màng. Dù chỉ là một năm, nửa năm hay một ngày, anh cũng không thể được tận hưởng những thành quả mà mình đã dày công xây đắp.

Vì vậy, mỗi con người cần phải có sự nhận thức đúng đắn về thời gian để không phải hối tiếc giống nhân vật keo kiệt.

  • Bài học về sự trân quý thời gian, sống ý nghĩa từng phút giây

Sau bao nhiêu sự hà tiện, tích góp mới có một gia tài lớn nhưng cuối cùng con người keo kiệt chỉ có một phút để viết chúc thư. Lẽ thường, chúc thư là những lời gửi gắm quan trọng của mỗi con người. Đó là tâm nguyện, là niềm mong mỏi cuối cùng. Và trên chúc thư của nhân vật keo kiệt lại là những dòng chữ run rẩy: “Xin hãy ghi nhớ: “Bao nhiêu tiền bạc cũng không mua nổi một ngày.”

Như vậy, suy cho cùng câu chuyện như một lời thức tỉnh con người. Hãy biết trân quý thời gian, sống trọn ý nghĩa từng phút giây. Đối với người keo kiệt, giây phút cuối cùng của cuộc đời anh đã làm nên một điều vô cùng ý nghĩa. Đó là gửi gắm bức thông điệp về sự trân quý cũng như giá trị là vàng, là bạc của thời gian.

| Nội dung: Nuôi

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *