Giải thích nhận định Lí luận văn học về thơ (phần 1)

Giải thích nhận định Lí luận văn học về thơ (phần 1)

Lí luận văn học là một nội dung giúp bài viết được sâu sắc và sáng tạo hơn. Các bạn có thể vận dụng lí luận văn học vào mở bài, xen kẽ phân tích tác phẩm để tăng tính thuyết phục, tổng kết nghệ thuật, mở rộng, liên hệ, chuyển đoạn hoặc kết bài.

Tuy nhiên, muốn vận dụng lí luận văn học thì trước hết, các bạn phải hiểu – giải thích về các nhận định mà bản thân sẽ đưa vào bài viết.

Vì vậy, Trạm văn giới thiệu và giải thích một số nhận định lí luận văn học về thơ có thể sử dụng trong bài viết NLVH cơ bản đến nâng cao. Hi vọng có thể phần nào giúp ích cho các bạn.

Nhận định 1:“Thơ là trải nghiệm từ những lăn lộn, va xiết trong trường đời. Thơ còn là những chiêm nghiệm về thế sự nhân sinh”. – Chu Văn Sơn

– Thơ ca vốn chỉ bật ra khi trong tim ta cuộc sống đã tràn đầy. Ấy là cái tràn đầy của tâm hồn mà như Chu Văn Sơn quan niệm: “trải nghiệm từ những lăn lộn, va xiết trong trường đời.” “Trải nghiệm” ở đây chính là một quá trình con người thâm nhập, tiếp xúc và cảm nhận một vấn đề nào đó. Nói về trải nghiệm trong thơ chính là nói về cái “lăn lộn”, “va xiết” để nhấn mạnh mức độ va chạm, dấn thân, sống trong những thăng trầm của trường đời hay nói cách khác là hiện thực cuộc sống.

– Không dừng lại ở đó, “thơ còn là những chiêm nghiệm về thế sự nhân sinh”. Tức là sự xem xét, đánh giá bằng kinh nghiệm, từng trải về những việc đời, về cuộc sống của nhân loại. Là sự suy tư, đúc kết, lắng đọng cái trường đời để thành lẽ đời.

=> Như vậy, với quan niệm về thơ vô cùng ý nghĩa, nhà phê bình Chu Văn Sơn đã mang đến cho những người sáng tác sự nhận thức đúng đắn về quá trình lao động nghệ thuật chân chính. Cụ thể, để sáng tác nên những tác phẩm có khả năng thanh lọc tâm hồn con người, dẫn con người đến xứ sở của cái đẹp thì trước hết thơ phải là sự trải nghiệm, chiêm nghiệm, dấn thân vào từng khía cạnh khác nhau của con người, của cuộc sống để đưa đến những giá trị triết lí, nhân sinh sâu sắc.

Nhận định 2:“Thơ thật sự phải là một cách giãi bày tâm sự độc đáo duy nhất, nghĩa là không thể thay thế được bằng bất cứ cách diễn tả nào khác. Thơ mà dịch ra được đầy đủ nghĩa đen, nghĩa bóng bằng văn xuôi thì coi như chưa phải là thơ. Thơ ra đời cốt để nói những điều tinh vi nhất, sâu kín nhất, mong manh nhất, mơ hồ nhất của tâm hồn con người”. – Nguyễn Đăng Mạnh

– Nếu như các tác phẩm truyện thể hiện những tư tưởng, tình cảm qua các sự kiện, nhân vật thì với thơ là sự bộc lộ trực tiếp những tâm trạng, cảm xúc qua lớp ngôn từ đầy nghệ thuật. Bởi lẽ, thơ ca là một thể loại ra đời giữa những buồn vui của loài người và kết bạn với loài người cho đến ngày tận thế.

– Tuy nhiên, “thơ thật sự phải là một cách giãi bày tâm sự độc đáo duy nhất”. “Thơ thật sự” tức là một tác phẩm thơ chân chính phải là tiếng nói của những tâm sự, cảm xúc. Nhưng những tâm sự, cảm xúc ấy phải “độc đáo duy nhất” nghĩa là không thể thay thế được bằng bất cứ cách diễn tả nào khác. Hay nói cách khác là những rung động thẩm mĩ độc đáo, rất riêng, không trộn lẫn của những người nghệ sĩ.

– Nếu như “thơ mà dịch ra được đầy đủ nghĩa đen, nghĩa bóng bằng văn xuôi thì coi như chưa phải là thơ”. Có thể hiểu là thơ không nên trần trụi, trôi nổi trên bề mặt câu chữ mà “thơ ra đời cốt để nói những điều tinh vi nhất, sâu kín nhất, mong manh nhất, mơ hồ nhất của tâm hồn con người”. Cái “tinh vi, sâu kín, mong manh, mơ hồ” chính là chất thơ, là khoảng trống, khoảng trắng, là chiều sâu không nói hết của những ngôn từ giàu sức gợi khi phản ánh tâm hồn con người.

=> Ý kiến trên của GS. Nguyễn Đăng Mạnh đã thể hiện những chiêm nghiệm sâu sắc về yêu cầu khi sáng tác thơ của một người nghệ sĩ chân chính cũng như khái quát những đặc trưng của thơ. Cụ thể, thơ trước hết phải là tiếng nói của cảm xúc, nhất là những cảm xúc độc đáo, không trộn lẫn. Bên cạnh đó, thơ còn phải là những rung động thẩm mĩ có chiều sâu, có sức gợi, có tư tưởng và có chất thơ làm say lòng bạn đọc.

Nội dung: Nuôi

Bài viết cùng chủ đề:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *